Cải cách tư pháp: Đề cao tính hướng thiện

Thanh Tùng (VTV4@vtv.vn)-Thứ tư, ngày 24/09/2014 13:03 GMT+7

Ngày 24/9/1982, Việt Nam tham gia ký kết Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực cải cách tư pháp.

Thảo Văn Si, 50 tuổi, quốc tịch Lào, hiện đang thụ án tại Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. Si bị tuyên án tử hình năm 2000 do phạm tội mua bán chất ma túy, nhưng nhờ chính sách khoan hồng, nhân đạo trong việc xử lý người phạm tội của Đảng và Nhà nước, Si đã được giảm án tổng cộng 4 lần và chỉ chưa đầy 6 tháng nữa, Thảo Văn Si sẽ có cơ hội trở về với gia đình tiếp tục ước mơ trở thành một người làm vườn.

Ông Thảo Văn Si, Phạm nhân Lào chia sẻ: "Tôi là người nước ngoài, không có người thăm nuôi nhưng được Ban lãnh đạo Trại quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt vui mừng và phấn khởi là tôi đã được ân giảm từ tử hình xuống chung thân. Có cơ hội được sống là tôi sẽ có ngày trở về...".

Với chủ trương đề cao tính hướng thiện, nhân đạo trong việc xử lý người phạm tội, hạn chế hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù, tăng các hình phạt không tước tự do, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã bỏ hình phạt tử hình cho 8 tội danh, như tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội hiếp dâm và tội buôn lậu. Trong lần sửa đổi này, chủ trương này tiếp tục được thực thi góp phần đưa pháp luật Việt Nam đến gần pháp luật quốc tế trong tiến trình hội nhập.

TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: “Quy định Bộ luật Hình sự hiện nay có khoảng hơn 60 quy định về hình phạt tiền, tới đây phải mở rộng phạm vi; cải tạo không giam giữ có khoảng 167 điều, chúng ta cũng phải mở rộng; về án tử hình, hiện có 22 điều quy định án tử hình cũng sẽ xem xét để có thể giảm xuống”.

Đồng tình với quan điểm trên, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng: “Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự hiện nay, xu hướng giảm tử hình vẫn tiếp tục được thực hiện, tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình theo Công ước về quyền dân sự, chính trị và phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay cũng như thấm nhuần tư tưởng Hiến pháp 2013 mà chúng ta vừa thông qua”.

Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982. Theo các chuyên gia, Hiến pháp sửa đổi 2013 và Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã góp phần giúp các quyền trong Công ước được tôn trọng và thực thi. Dự thảo Bộ luật Hình sự sắp tới dự kiến sẽ đưa lên Quốc hội vào đầu năm sau.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước