Mặc dù vẫn còn những ý kiến băn khoăn, song đại đa số các ĐBQH đều đồng ý sớm đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm sử dụng hiệu quả hơn nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục, cũng như huy động thêm sự đóng góp của nhân dân vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
Ông Phạm Mạnh Hùng, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Về vấn đề đổi mới chính sách học phí và hỗ trợ người học, tôi đồng ý với những phân tích của đề án bởi những bất hợp lý của việc thu học phí 10 năm qua không thay đổi, trong khi tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người tăng 4,7 lần, lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước tăng 1,86 lần và chỉ số giá tiêu dùng tăng gấp 2 lần.
Tôi đồng tình với quan điểm mang tính nhân văn của đề án khi xác định với bậc học phổ thông, mầm non Nhà nước là người chi lớn nhất và học phí chỉ là sự chia sẻ theo khả năng thu nhập của gia đình học sinh và học phí không bao giờ là gánh nặng tài chính cho gia đình, mà luôn khả thi. Việc xem xét đồng thời chi phí học tập của gia đình và học phí khi thiết kế học phí phổ thông, mầm non là sự đổi mới về tư duy lý luận, đó là việc xác định khả năng chi trả của người dân để xây dựng định mức học phí và miễn giảm, thậm chí hỗ trợ để người dân có thể đưa con em đi học.
Với quan điểm này, sự công bằng xã hội trong giáo dục sẽ cao hẳn hơn trước, người nghèo được đảm bảo cơ hội học tập và ai cũng được học hành, đồng thời những người có thu nhập cao hơn sẽ có quyền và nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn cho việc học tập của con em mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc tính học phí theo thu nhập bình quân của hộ gia đình sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, vì cùng một chất lượng giáo dục, nhưng người dân phải chi trả các mức học phí khác nhau, trong khi những người có thu nhập cao đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mặt khác, việc xác định hộ gia đình nào có mức thu nhập bao nhiêu là rất khó khả thi, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong cộng đồng, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh đề xuất, học phí không nên quy định theo mức thu nhập của gia đình, mà nên ban hành theo chất lượng giáo dục của từng trường nhằm khuyến khích các trường nâng cao chất lượng đào tạo, có như vậy, việc đổi mới cơ chế tài chính mới đi liền với việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Bà Ngô Thị Doãn Thanh, ĐBQH thành phố Hà Nội: Hiện nay, trong hệ thống các trường mầm non và phổ thông đại trà, có những trường đạt chuẩn quốc gia, có trường chưa đạt chuẩn quốc gia và còn những trường ở dưới chuẩn. Nếu theo phương pháp xác định học phí của đề án, thì mức học phí ở các loại trường này lại bằng nhau là chưa công bằng giữa các cơ sở đào tạo, chưa đúng với nguyên tắc cung cấp dịch vụ cao hơn thì được thu học phí cao hơn.
Nếu quy định như dự thảo thì các trường đạt chuẩn quốc gia sẽ quá tải, và thực tế ở Hà Nội, có nhiều trường có thương hiệu thường được học sinh và phụ huynh tìm đến, dẫn đến những khó khăn trong công tác tuyển sinh và dễ phát sinh tiêu cực. Đối với những người có thu nhập cao, chính sách học phí theo đề án chưa đảm bảo sự công bằng, bởi cùng một chất lượng giáo dục dịch vụ như nhau, mà mức học phí lại khác nhau là bất hợp lý. Hơn nữa, những người có thu nhập cao thì đã nộp thuế thu nhập cá nhân theo Luật thuế thu nhập cá nhân.
Một số đại biểu cũng băn khoăn đối với mức tăng học phí ở bậc đại học. Dù đã chia theo các nhóm ngành, và mức học phí cao hay thấp cũng căn cứ vào các yếu tố liên quan đến nhóm ngành, như mức đầu tư, khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp… nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng học phí ở bậc đại học từ mức 180.000 đồng/tháng lên từ 500.000 đến 800.000 đồng/tháng sẽ tạo ra một gánh nặng đối với các gia đình nghèo, đặc biệt là các hộ nông dân. Do đó, Đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh cho hài hoà và phù hợp với thu nhập hộ gia đình ở các vùng, miền khác nhau, nhất là ở vùng xa, vùng sâu, vùng nông thôn, và đối tượng là người nghèo.
Một số đại biểu quan tâm đến việc quản lý nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục. Hiện Bộ giáo dục và đào tạo chỉ quản lý 5% tổng mức chi ngân sách cho giáo dục, còn 95% nguồn ngân sách này do các Bộ, ngành và địa phương quản lý. Đại biểu Trần Việt Hưng, tỉnh Hòa Bình cho rằng, trước khi thông qua một đề án về cơ chế tài chính cho giáo dục, thì cần rà soát xem việc sử dụng nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này đang được tiến hành ra sao, và có hiệu quả như thế nào.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định lại một điểm: Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục có 8 giải pháp, trong đó có đến 7 giải pháp không liên quan đến học phí, và 7 giải pháp này sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục. Và bởi vậy, việc triển khai thực hiện đề án này sớm chừng nào, sẽ giúp giảm thiểu những thất thoát, lãng phí trong đầu tư cho giáo dục sớm chừng đó.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, theo thống kê hiện nay, mức chi phí học tập của các hộ gia đình năm 2002 là 6,1% thu nhập bình quân, năm 2004 là 6,3%, và năm 2006 là 6,4%, còn cao hơn mức trần mà đề án đưa ra là 6%. Một điểm nữa, Chính phủ cũng đã thí điểm tính mức đóng học phí theo đề án này tại một số địa phương là Thanh Hóa và Đà Nẵng. Từ nay đến 19/6, các địa phương sẽ hoàn thành việc tính toán các mức thu học phí ở địa phương mình và kết quả này sẽ được báo cáo Đại biểu Quốc hội.