Hôm nay (24/4), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ. Các đại biểu đã đề nghị cần có giải pháp để minh bạch kinh phí bảo trì chung cư bằng 2% giá trị căn hộ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại 40 địa phương, 4.000 tòa chung cư tương đương 96% đã đưa vào vận hành nhưng không có vướng mắc, tranh chấp về kinh phí bảo trì.
Tuy nhiên, chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn còn hơn 400 tranh chấp, chiếm khoảng 10% trong tổng số nhà chung cư cả cũ và mới của hai địa phương này. Đặc biệt vẫn còn 54 chung cư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị. Ngay tại phiên giải trình, đại diện 2 địa phương này đã chỉ rõ, một số chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc không chịu tổ chức Hội nghị nhà chung cư, bản chất là để trì hoãn việc chuyển giao kinh phí bảo trì 2%. Bên cạnh đó, theo quy định của Pháp luật nếu không hoặc chậm bàn giao phí bảo trì thì chủ đầu tư sẽ bị cưỡng chế, nhưng việc cưỡng chế các nhà đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, đối với những trường hợp đã được bàn giao phí bảo trì, cũng có trường hợp Ban quản trị tìm cách để cắt xén.
Một số đại biểu cũng khẳng định, việc chậm hoặc không bàn giao quỹ bảo trì chung cư sẽ ảnh hưởng tới sự vận hành thông suốt của tòa nhà. Mà bài học rõ nhất là vụ cháy chung cư Carina tại TP.HCM năm 2017. Ở thời điểm xảy ra vụ cháy, chủ đầu tư vẫn còn nợ chưa bàn giao 20 tỷ đồng phí bảo trì chung cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!