Cân nhắc đề xuất thay đổi giờ làm việc

Ngọc Hà-Thứ tư, ngày 26/10/2011 21:00 GMT+7

Việc điều chỉnh thời gian làm việc và học tập ở Hà Nội như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải cần phải được cân nhắc kỹ, vì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

Vẫn chưa có giải pháp cho vấn đề giao thông Hà Nội. Ảnh: Internet

Đây là quan điểm của các Sở, ban ngành thành phố Hà Nội tại cuộc họp với Bộ GTVT vào chiều qua (25/10).
Theo như dự thảo điều chỉnh giờ làm việc và học tập mà Bộ GTVT gửi UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến thì công chức cơ quan Trung ương sẽ làm giờ ca sáng từ 9-12h, ca chiều từ 13-18h. Công chức Hà Nội sẽ làm giờ ca sáng từ 8h30-12h, ca chiều từ 13-17h30.
Bậc Mầm non, Tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8-17h30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7-11h, ca chiều từ 12h30-16h30. Sinh viên Đại học ở các quận trong thành phố cũng phải theo giờ học và tan trường khác nhau. Còn các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30-23h30.
Theo Sở Giáo dục-Đào tạo, chỉ riêng bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh trái tuyến vào khoảng 10.000 học sinh, cùng với đó là gần 10.000 phụ huynh sẽ phải tham gia giao thông để đưa đón con em mình vào giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội cho biết: “Ngoài lực lượng chính là trái tuyến, thì các cháu ở ngay trong địa bàn cũng phải có bố mẹ đưa đón. Nếu chỉ tính múi giờ xê dịch so với giai đoạn trước, tức là trước đây học sinh tiểu học học từ 7h30, bây giờ dịch 8h, chênh nhau nửa tiếng. Trong vòng nửa tiếng, ví dụ đi từ đầu phường đến cuối phường, hoặc từ phường nọ sang phường kia, chỉ qua một vài đèn xanh, đèn đỏ là gặp nhau tất cả, thì cũng không thay đổi được là bao”.
Cuộc hội họp giữa đại diện Bộ GTVT với đại diện các Sở, ban ngành của thành phố Hà Nội đã cơ bản thống nhất với tinh thần của dự thảo về thay đổi giờ làm, giờ học - một trong bảy giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng cần phải có thêm thời gian nghiên cứu trước khi trình Chính phủ, vì việc điều chỉnh sẽ tác động trực tiếp tới đời sống của hơn 6,5 triệu người dân Thủ đô. Phương án trước mắt chỉ nên tạm thí điểm ở phạm vi hẹp, nếu thấy hiệu quả sẽ nghiên cứu và nhân rộng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Phạm vi nghiên cứu hẹp hơn, nghiên cứu ở nhóm đối tượng mà tính độc lập tự chủ và tính ảnh hưởng mức độ hơn. Ví dụ như Trung tâm thương mại, thứ hai là nhóm học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng chủ yếu họ tự đi bằng xe bus và phương tiện cá nhân và bố mẹ không phải đưa đón. Quan điểm của chúng ta là, dù điều chỉnh như thế nào cũng phải xuất phát từ quyền lợi của người dân. Vì chính sách nào được nhân dân ủng hộ thì đó là chính sách đúng, nếu không thì ngược lại”.
Còn theo bà Nguyễn Thị An, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thì đề xuất thay đổi giờ làm việc và học tập này chưa có cơ sở, chưa nghiên cứu kỹ về mặt khoa học, nên sẽ kém hiệu quả vì không phù hợp với sinh hoạt của người dân.
“Không thể một cán bộ xin nghỉ suốt ngày để đi đón con. Đấy là chuyện của một gia đình có con nhỏ. Giờ làm như thế thì suốt cả ngày các gia đình đều căng thẳng chuyện đi làm, vì vợ đi làm ở một cơ quan Trung ương, chồng đi làm ở cơ quan Hà Nội lại ở cách Hà Nội 20km, trong điều kiện xe bus không đảm bảo, phương tiện cá nhân đi xa cũng không đủ sức, cho nên sẽ đảo lộn sinh hoạt của xã hội, gây cho người dân những bức xúc nhiều hơn”, bà Nguyễn Thị An, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nói.
Dự thảo đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học sẽ được tổng hợp trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trước thứ sáu tuần này. Như vậy là vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng để giảm bớt sự ùn tắc trên mọi con đường của Thủ đô.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước