"Cấn nợ" sau vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên

Hòa An-Thứ sáu, ngày 28/10/2011 16:00 GMT+7

Cấn nợ là việc những kẻ vay gom tiền chỉ trả người cho vay số tiền hoặc tài sản ít hơn nhiều lần giá trị tiền vay với điều kiện người cho vay phải chấp nhận xóa nợ nếu như không muốn mất trắng.

Nguyễn Thị Cúc tại cơ quan công an. (Ảnh: Dân Việt)

Trở lại Phú Minh, Phú Xuyên (Hà Nội) sau 2 tuần xảy ra vụ vỡ nợ mang tên Nguyễn Thị Cúc, nhóm phóng viên VTV đã nghe nhiều câu chuyện "hậu vỡ nợ", một trong số đó là "cấn nợ".
Đến chợ Phú Minh, Phú Xuyên, người ta có thể thấy cảnh những đám đông sôi nổi quanh một chủ đề chính đã được bàn luận suốt cả tuần nay - chuyện "cấn nợ" sau khi vụ vỡ nợ mang tên Nguyễn Thị Cúc nổ ra. Đối tượng cấn nợ chính là những chân rết đã gom tiền cho Nguyễn Thị Cúc.
Chị Nguyễn Thị Vui, người dân Phú Minh, Phú Xuyên cho biết: "Bây giờ họ bảo không có tiền trả, chỉ gán nợ bằng các thứ vớ vẩn, hoặc 1 gán thành 2, mảnh đất 3 tỷ thì gán cho số nợ 6 tỷ.
Bà Nguyễn Thị Thắm, người dân Phú Minh, Phú Xuyên nói: "Có người cho vay hơn trăm triệu, nay họ chỉ gán cho hai thứ đồ gỗ vớ vẩn, thế là mất luôn 90 triệu, vẫn phải chịu".
Người dân thì nói vậy, nhưng các chân rết lại nói khác, ví dụ như chủ tiệm vàng Hải Hà, một doanh nghiệp nhận là đã cho Nguyễn Thị Cúc vay tới 20 tỷ đồng lại khẳng định ngược lại.
"Mọi người có đến đây đòi, tôi trả vàng nhưng họ không dám nhận. Tôi cũng khuyên họ, chúng tôi vay tiền để kinh doanh bất động sản, đến bây giờ chưa bán được. Tôi bảo họ lấy vàng nhưng họ không dám lấy, vì bán vàng ra sẽ bị lỗ mấy trăm ngàn tiền đánh vàng", ông Vũ Văn Hải, Doanh nghiệp vàng bạc Hải Hà, Phú Xuyên cho biết.
Chuyện thật như đùa khi những người dân sẵn sàng lấy các đồ đạc kém giá trị mà lại chê không lấy vàng trừ nợ. Theo nhiều người dân ở đây, không loại trừ câu chuyện nhiều chủ nợ đục nước béo cò, chưa chắc số tiền họ gom vay của dân đã đưa hết cho Cúc, nhưng vẫn nói là đã đưa hết cho Cúc, và sau đó dùng biện pháp "cấn nợ" để chiếm dụng tài sản.
Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty luật Hồng Hà cho rằng: "Tâm lý người cho vay sau các vụ vỡ nợ là đòi được tí nào hay tí đấy, mình không đòi trước thì sẽ có người đến trước lấy. Thế nên nhiều người sẵn sàng chấp nhận chỉ lấy số tài sản hoặc tiền bằng 1/5, 1/10 giá trị. Họ chấp nhận với nhau, thỏa thuận với nhau, theo luật chỉ xét vào dân sự. Luật cũng chưa có điều luật cho hiện tượng gán nợ, cấn nợ như thế này, nên đây cũng là một lỗ hổng của pháp luật".
Luật sư Bình cũng cho rằng, do việc chưa có luật, chưa có hình phạt xử lý hiện tượng gán nợ, cấn nợ nên trong những câu chuyện vỡ nợ vừa qua, sẽ có nhiều kẻ tận dụng "đục nước béo cò" , tuyên bố vỡ nợ rồi thực hiện "cấn nợ" để chiếm đoạt tài sản của người cho vay. Trong khi đó, những người dân nghèo ở Phú Xuyên hầu hết đều chưa đến cơ quan công an trình báo việc mình cho vay tiền trong vụ Nguyễn Thị Cúc, có lẽ họ vẫn hy vọng vào việc sẽ đòi được phần nào số tiền mình đã cho vay.
Tin bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước