Cần sớm xác định chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2020-2030

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/01/2019 21:15 GMT+7

VTV.vn - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thứ hai của Tiểu ban kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng diễn ra sáng 19/1.

Các thành viên của Tiểu Ban kinh tế - xã hội đều nhất trí, không giống như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2011-2020, không có chủ đề, Chiến lược của 10 năm tới từ 2020-2030 cần phải có chủ đề. Vì chủ đề của Chiến lược được coi như tinh thần hiệu triệu, thể hiện ý chí và khát vọng dân tộc, hun đúc tâm thế của người Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhưng phải có thành tố quan trọng nhất đối với sự phát triển đất nước trong 10 năm tới như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giữ vững chủ quyền, ổn định an toàn xã hội, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đề nghị, Thường trực của Tiểu Ban mà thành viên là Thủ tướng cùng với 5 Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổ biên tập với 57 thành viên từ cấp Thứ trưởng các ban, bộ, ngành, Phó Chủ tịch các tỉnh, thành cần thảo luận, làm rõ mục tiêu phấn đấu theo hướng trở thành nước công nghiệp định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Về kết cấu của Chiến lược 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần ngắn gọn, cô đọng. Đồng thời, sớm bổ sung nội hàm chủ yếu của từng phần để hình thành đề cương sơ bộ, gửi các thành viên Tiểu ban cho ý kiến.

Về mục tiêu, đột phá chiến lược, Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ nội hàm khoa học - công nghệ trở thành khâu đột phá để đưa đất nước tiến lên. Trong Chiến lược cần nhấn mạnh định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, thể hiện rõ các nội dung trọng tâm gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hiệu suất cao, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, khoa học - công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đi cùng với bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao năng lực hội nhập và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước kiến tạo, phát triển, hành động, liêm chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhất trí giao và đặt hàng nghiên cứu 40 chuyên đề cho 10 cơ quan của Quốc hội, 28 bộ, ban, ngành cùng 10 cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học và 5 tỉnh, thành phố. Cùng với chất lượng, Thủ tướng nhấn mạnh, Tiểu ban cần hết sức chú ý tới mốc thời gian báo cáo Hội nghị lần 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 5 tới đây để cho ý kiến về đề cương chi tiết Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm. Sau đó, báo cáo Hội nghị lần thứ 11 vào tháng 10 để cho ý kiến về các dự thảo văn kiện, từ đó, hoàn thiện, gửi đại hội Đảng bộ các cấp góp ý kiến. Thủ tướng giao Tổng cục Thống kê xây dựng bộ số liệu chung về kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020, bảo đảm độ xác thực, đồng bộ, thống nhất trong việc sử dụng thông tin số liệu phục vụ quá trình xây dựng Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước