Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài kể từ sau Tết Nguyên đán. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá, hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Theo các thống kê, ô nhiễm không khí ở Hà Nội tập trung vào mùa đông, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau với nhiều đợt.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), đợt ô nhiễm xảy ra đúng vào thời điểm trẻ em vẫn đang nghỉ học, lượng người tham gia giao thông không tăng đột biến cho thấy nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, các làng tái chế xung quanh Hà Nội rất đáng lo ngại.
Cũng theo TS.Hoàng Dương Tùng, dù Luật bảo vệ môi trường hiện tại đã qua 3 lần sửa đổi nhưng còn chung chung với các nguồn ô nhiễm khác nhau, chưa đi sâu và cụ thể vào quản lý ô nhiễm không khí, thiếu công cụ quản lý hiệu quả và phân tán trách nhiệm đối với các nguồn khí thải, mức xử phạt không đủ tính răn đe.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có thống kê trên cả nước có bao nhiêu cơ sở sản xuất phát thải khí thải, vẫn chưa có văn bản dưới luật quy định phương pháp kiểm kê khí thải. Các địa phương cũng không có cơ sở để kiểm soát và quản lý. Đặc biệt, việc đầu tư cho hệ thống quan trắc không khí, quản lý chất lượng không khí, xử lý ô nhiễm không khí là rất hạn hẹp.
Vì vậy cần có quy định rõ ràng về kiểm soát khí thải đối với các cơ sở sản xuất và làng nghề; cách xử lý với các điểm ô nhiễm nhỏ, tiêu chuẩn khí thải đối với các hoạt động sản xuất và cần có chế tài xử lý đủ tính răn đe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!