Cảnh sát giao thông hóa trang không tự ý phạt

TTXVN-Thứ hai, ngày 03/05/2010 00:00 GMT+7

Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (C26) Bộ Công an cho biết cảnh sát giao thông mặc thường phục khi làm nhiệm vụ phải thường trực bộ đàm, khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay đến tổ cảnh sát giao thông công khai để phối hợp dừng xe, xử lý; không được tự ý xử lý vi phạm.

Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết như vậy chiều 2/5 khi trao đổi về kế hoạch thành lập các tổ cảnh sát giao thông hóa trang tham gia phát hiện các lỗi vi phạm liên quan đến không đội mũ bảo hiểm của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an thành phố Hà Nội.

Mới đây, để đối phó với tình trạng thanh, thiếu niên khi đi xe máy không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm tăng nhanh, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an thành phố Hà Nội có kế hoạch tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch này sẽ cho phép mỗi đội cảnh sát giao thông của Công an thành phố Hà Nội hình thành một tổ gồm các chiến sỹ hóa trang (mặc thường phục). Lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang mang theo thẻ tuần tra giao thông, băng đeo tay có chữ cảnh sát giao thông và thẻ ủy nhiệm của trưởng phòng cảnh sát giao thông.

Khi tuần tra cơ động bằng môtô, lực lượng hóa trang đi trước, làm nhiệm vụ phát hiện và dừng phương tiện vi phạm, xuất trình thẻ ủy nhiệm, đồng thời giải thích cho người vi phạm biết, thông báo bằng bộ đàm cho cảnh sát giao thông trong tổ công tác đi sau phối hợp xử lý.

Mặc dù việc tổ chức cho cảnh sát giao thông mặc thường phục tuần tra được Phòng cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an thành phố Hà Nội hình thành trên cơ sở quy định tại thông tư 27/2009 của Bộ Công an, tuy nhiên, vấn đề này cũng đang thu hút được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và người dân bởi những lo ngại kế hoạch này có thể bị các đối tượng tội phạm lợi dụng, gây nguy hiểm cho xã hội.

Liên quan đến việc hình thành và thực hiện kế hoạch này, cũng theo Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an Hà Nội đã có văn bản gửi C26.

Qua báo cáo nhanh của cảnh sát giao thông Hà Nội, những ngày đầu triển khai đã cho thấy những kết quả khả quan của việc áp dụng hình thức tuần tra này mà cụ thể nhất là ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, với chức năng hướng dẫn công tác tuần tra kiểm soát an toàn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông cả nước, Cục C26 cũng lưu ý Phòng cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an Hà Nội phải giám sát chặt chẽ, thận trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông mặc thường phục nêu trên; đảm bảo đúng quy định của Bộ Công an.

Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng cũng cho rằng, trên thực tế tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, việc cảnh sát giao thông truy đuổi đối tượng vi phạm pháp luật giao thông, nhất là thanh, thiếu niên thường diễn ra khá nguy hiểm.

Việc áp dụng hình thức tuần tra không công khai sẽ nâng hiệu quả tuần tra kiểm soát an toàn giao thông đồng thời giảm nguy cơ rủi ro, thương vong, chống đối người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm.

Lãnh đạo Cục C26 cũng đã yêu cầu Phòng cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an thành phố Hà Nội cần tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm sau thời gian khoảng 10 ngày đầu triển khai kế hoạch trên và công khai trước công luận để người dân được biết và chấp hành.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước