Cầu vượt bộ hành: Thiết kế, thi công còn nhiều bất hợp lý

Nguyễn Sơn - Quang Hạnh-Chủ nhật, ngày 19/12/2010 19:00 GMT+7

Sự thiếu hợp lý trong thiết kế, thi công cầu vượt bộ hành đang khiến dư luận hoài nghi về hiệu quả sử dụng của những cây cầu này.

Dự án xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành đã được UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt với tổng mức đầu tư lên tới 234 tỉ đồng. Dự án này nhằm tăng cường an toàn giao thông hợp phần tại thủ đô và là 1 chủ trương đúng đắn, được người dân đồng tình ủng hộ. Song, do áp lực tiến độ thi công nên thiết kế cũng như vị trí đặt cầu có nhiều điểm chưa hợp lý. Nơi ít người qua lại cũng được xây lắp cầu, nơi thì đường dẫn lên cầu án ngữ ngay giữa ngõ vào khu dân cư. Sự thiếu hợp lý này đang khiến dư luận không khỏi hoài nghi về hiệu quả sử dụng và gặp phải phản ứng của người dân, làm tiến độ thi công bị ảnh hưởng.
Cây cầu vượt bộ hành số 6, đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội đã được thi công từ nhiều tháng nay. Công trình đã gần hoàn thiện, chỉ còn hạng mục cuối cùng là 1 bên đường dẫn lên cầu vẫn chưa thể thi công. Nguyên nhân là theo thiết kế, đường dẫn này án ngữ ngay giữa ngõ số 25 nên đã gặp phải sự bất đồng thuận của các hộ dân sống trong ngõ. Bởi với thiết kế này, họ sẽ phải chui qua gầm đường dẫn mỗi khi đi về.
Bà Nguyễn Thị Trúc, ngõ 25, Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Cái cầu dẫn này sẽ ảnh hưởng tới cổng chúng tôi ra vào. Ảnh hưởng tới việc ra vào của hơn 40 hộ chúng tôi và xe cấp cứu cũng không thể ra vào được. Chúng tôi yêu cầu trên cho chuyển chân cầu sang hướng Nam, nó không ảnh hưởng gì cả mà lại thuận lợi cho dân".
Ông Nguyễn Mai Bảo, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội nói: “Dân kiến nghị tôi nghĩ cũng là chính đáng. Tuy nhiên, việc này là chuyên môn và thẩm quyền thì các cơ quan chuyên môn của thành phố và UBND thành phố phải trả lời cho người dân”.
Những kiến nghị chính đáng này đã bị Ban quản lý các dự án phát triển đô thị Hà Nội từ chối khi đưa ra những lý do không thuyết phục được các hộ dân. Bởi đã có những đường dẫn lên cầu vượt bộ hành phải điều chỉnh thiết kế cho hợp lý như trên đường Trần Duy Hưng. Vì vậy, ngày 3/12 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ vấn đề.
Ông Nguyễn Mai Bảo, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Trong nội dung văn bản có giao cho Ban quản lý dự án phát triển đô thị giao thông Hà Nội làm việc với UBND quận Ba Đình, báo cáo UBND thành phố và trả lời đơn thư của nhân dân. Như vậy, chúng tôi hiểu rằng, dự án phải tạm dừng lại để thành phố 1 lần nữa nghe báo cáo của các đơn vị có liên quan và đặc biệt đối với địa phương là UBND quận Ba Đình trước khi thành phố có quyết định chính thức".
Theo các nhà nghiên cứu, Hà Nội hiện chưa có một quy hoạch cụ thể nào cho hệ thống cầu vượt bộ hành. Vì vậy, địa điểm xây lắp và thiết kế thường được lựa chọn theo hướng dễ làm để đối phó với áp lực tiến độ thi công. Đó chính là lý do khiến những cầu bộ hành đã đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả.
TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải nói: “Để khắc phục được những cái nhược điểm của cái thiếu quy hoạch, chúng ta cần phải có nghiên cứu kỹ càng cho từng trường hợp cụ thể”.

Trở lại với cây cầu vượt bộ hành số 6 – Nguyễn Chí Thanh. Khi thi công, người ta không hề thông báo cho UBND phường cũng như người dân là trái với quy định của pháp luật. Các hộ dân cho biết, họ ủng hộ dự án nhưng kiến nghị chính đáng của họ nhất định phải được đáp ứng. Đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức để những cầu bộ hành tiếp theo được đảm bảo các tiêu chí: Đúng tiến độ, khai thác hiệu quả và không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước