Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài với những khó khăn kinh tế địa phương, chèo Khuốc tưởng như đã thất truyền. Thời gian gần đây, những sinh hoạt chèo dân gian bước đầu đã được khôi phục trở lại có thể nói là khá sôi động và thú vị tại làng quê Bắc Bộ yên ả.
"Hỡi cô thắt dải lưng xanh - Có xem chèo Khuốc với anh thì về", câu ca dao cho thấy sự hấp dẫn của chiếng chèo Khuốc đã có từ rất lâu rồi. Giờ đây, sau những giờ lao động vất vả, người làng Khuốc lại cùng nhau ngồi bên chiếu chèo như chưa hề có lúc thăng lúc trầm trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm của ngôi làng và cũng là lịch sử chiếu chèo Khuốc.
Chị Nguyễn Thị Dịu, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vui vẻ cho biết: “Mình thấy sinh hoạt như bây giờ xôm lắm. Cả nhà mình mọi người đều theo nghiệp chèo, mọi người đi theo đoàn hết cả, còn mình ở nhà thì tham gia sinh hoạt như thế này cho vui”.
Thực tế, trong suốt hơn ba chục năm trời, những sinh hoạt như thế gần như không tồn tại trong làng, người Khuốc dạt đi tứ xứ kiếm miếng cơm manh áo, ai yêu chèo lắm và có năng khiếu thì đi theo các đoàn nghệ thuật. Hơn một năm trở lại đây, một đội chèo nhỏ đã được xây dựng trở lại tại làng Khuốc làm hạt nhân cho những sinh hoạt cộng đồng. Với việc sinh hoạt và tập luyện thường xuyên, chèo Khuốc ngay lập tức lại hấp dẫn khán giả, tạo ra thu nhập cho chính những đội chèo của làng.
Ông Quách Văn Ấn, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình phát biểu: “Thật ra thì thu nhập không nhiều, nhưng nó cũng là một khoản để anh chị em nuôi nghề. Mà thật sự thì càng hát càng hay, càng nhiều người hưởng ứng. Mỗi dịp lễ hội, người ta lại mời về nên anh chị em cũng hào hứng lắm”.
Điều mà người dân làng Khuốc cho là đáng mừng nhất chính là việc dù duyên chèo đã bẵng đi mất ba, bốn chục năm, nhưng làng không lúc nào thiếu kép tài, đào đẹp. Điều đó cho thấy, những làn điệu chèo đã ngấm vào máu thịt người làng Khuốc, dù rằng có lúc thăng, có lúc trầm…