Hình minh hoạ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm mà nhiều đại biểu chưa đồng tình với Dự thảo mới này như: việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, lệ phí và chi phí giải quyết nuôi con nuôi, và một số điều kiện khác để được nhận nuôi con nuôi.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban TVQH về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật nuôi con nuôi, phần lớn các đại biểu đều nhất trí rằng, Luật chỉ điều chỉnh việc nuôi con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi, nhưng cũng cho rằng, không nên quy định chung chung về việc căn cứ vào nhu cầu, đặc điểm tâm lý, nguyện vọng chính đáng của trẻ được nhận làm con nuôi. Vì nếu trẻ chỉ có 1 đến 2 tuổi thì cũng chưa thể có biểu hiện tâm lý và nguyện vọng rõ ràng.
Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của hầu hết các đại biểu góp ý tại hội trường, đặc biệt là đại biểu của những địa phương vùng biên giới là vấn đề nhận con nuôi ở khu vực biên giới. Các đại biểu cho rằng, Luật không nên quy định cụ thể vấn đề này.
Ông Hoàng Thương Lượng, ĐBQH tỉnh Yên Bái: “Nuôi con nuôi ở khu vực biên giới là vấn đề nhạy cảm, liên quan tới thân tộc, họ tộc của các dân tộc ở gần biên giới với nhau, Chính phủ cần có quy định để Việt Nam có quyền chủ động nhận nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, sớm ký kết với các nước láng giềng”.
Ông Tống Văn Thoóng, ĐBQH tỉnh Lai Châu: “Phải có khung chặt chẽ rồi Chính phủ quy định chi tiết ở các vùng biên giới tùy vào phong tục tập quán, tùy dân tộc. Không nên loại trừ các yếu tố, tình hình an ninh trật tự”.
Rất nhiều đại biểu không đồng tình với quy định về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Bà Phan Thị Thu Hà, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Không nhất trí với chi phí nuôi con nuôi. Nuôi con nuôi của người nước ngoài thì nên quy định khoản chi phí, nhưng quy định ở mức vừa phải hợp lý. Còn hồ sơ thì nên có lệ phí được dán công khai, minh bạch để hạn chế việc trục lợi qua giới thiệu”.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: “Phải xác định ai phải nộp chi phí. Người Việt Nam nhận nuôi con nuôi nước ngoài thì phải nộp không. Chi phí nuôi dưỡng giáo dục trẻ là không hợp lý, phải trả thù lao hợp lý cho nhân viên cơ sở nuôi dưỡng. Thế nào là “hợp lý” sẽ vi phạm Công ước, tạo kẽ hở pháp luật. Với người nước ngoài thì chỉ nên thu khoản ký quỹ”.
Ông Mã Điền Cư, ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: “Nên quy định nguồn vốn hỗ trợ nhân đạo để quản lý tốt. Do đó, vấn đề đặt ra cần có định chế tài chính như thế nào để một mặt vừa tập trung được, mặt khác có thể loại bỏ tiêu cực. Cần hình thành một quỹ - mô hình này là định chế tài chính mới mẻ, nhưng vô cùng cần”.
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị: Không cho phép được nhận nuôi con nuôi đối với người đã từng có án tích về mua bán, đánh tráo và chiếm đoạt trẻ em.
Thực tế nhiều năm nay cho thấy, rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi đã được nhà chùa hoặc nhà dòng nhận nuôi. Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An cho rằng, trong Luật nên có thêm quy định về vấn đề này, như: Nhà chùa, nhà dòng là cơ sở giáo dưỡng hay được coi là bố mẹ nuôi của nhóm trẻ này. Và các thủ tục liên quan.
Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, cần thông báo tình hình phát triển của con nuôi 6 tháng 1 lần ngay sau khi nhận nuôi chính thức.