Người đứng đầu cấp ủy và tổ chức Đảng ở Trung ương và địa phương phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động đối ngoại, nhất là việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài. Cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài không được mang theo tài liệu mật của Đảng, Nhà nước. Các đoàn đi công tác nước ngoài phải bảo đảm đúng quy định pháp luật của nước sở tại.
Các cơ quan, tổ chức, địa phương phải xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động đối ngoại hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạn chế tối đa việc cử đoàn đi công tác nước ngoài không nằm trong kế hoạch; không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực bằng ngân sách Nhà nước.
Các đoàn đi công tác nước ngoài phải có đề án nêu rõ mục đích, yêu cầu chuyến đi, đối tác đón, nội dung, chương trình làm việc cụ thể.
Các đồng chí lãnh đạo của các ban Đảng, Bộ, ngành, địa phương, thực hiện đúng quy định đi công tác nước ngoài không quá hai lần trong một năm (trừ trường hợp do công việc thật cần thiết); không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của cùng một địa phương, đơn vị cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài. Không đưa thân nhân đi trong đoàn công tác, trường hợp đặc biệt thì phải được cấp có thẩm quyền quyết định.
Khi kết thúc chuyến đi công tác nước ngoài, trưởng đoàn phải có báo cáo kết quả chuyến đi cho cấp có thẩm quyền.
Các cơ quan tham mưu trình phê duyệt kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm, các cơ quan, tổ chức, địa phương chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ việc lập kế hoạch và triển khai các đoàn đi công tác nước ngoài, kiên quyết cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không thực sự cần thiết.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Hàng năm, Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổng hợp đánh giá việc thực hiện Chỉ thị, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.