Sau hơn 4 tháng, cả thế giới đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi một kẻ thù chung là virus SARS-CoV-2. Khó có thể tưởng tượng được rằng những nước có tiềm lực kinh tế, có nền y tế phát triển như Anh, Mỹ, Italy và Tây Ban Nha lại có số người chết nhanh chóng vượt quốc gia đông dân nhất hành tinh là Trung Quốc.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Italy, Tây Ban Nha có 41 bác sĩ/10.000 dân, Mỹ là 26 bác sĩ/10.000 người mà COVID-19 còn làm hệ thống y tế các nước này điêu đứng.
Cả thế giới đang điêu đứng vì COVID-19
Trong khi đó, con số này ở Việt Nam chỉ là khoảng 8 bác sĩ/10.000 dân. Điều này đủ để thấy đây có thể là một cuộc chiến không cân sức nếu chúng ta không được phòng bị tốt và sớm bao vây tiêu diệt "kẻ thù".
"Chống dịch như chống giặc"
"Chống dịch như chống giặc" - câu nói này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào những ngày đầu tiên bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đã sớm coi đây là một cuộc chiến cam go, cần phải đầu tư mọi nguồn lực thì mới có thể ngăn chặn được kẻ thù vô hình của toàn nhân loại.
Với COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc "Chống dịch như chống giặc"
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá, với đường biên giới trên đất liền sát với Trung Quốc dài hơn 1.000km, quá trình thông thương, du lịch giữa người dân 2 nước diễn ra rất tấp nập thì virus SARS-CoV-2 xâm nhập nước ta chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để
Quả không sai, từ ngày 23/1, hàng loạt ổ dịch lớn nhỏ dần dần xuất hiện tại nước ta.
Theo đó, virus SARS-CoV-2 - "kẻ thù" vô hình - liên tiếp lập các cứ điểm ở những nơi không ngờ tới. Ban đầu là xã Sơn Lôi ở Vĩnh Phúc. Tiếp theo là Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ở giai đoạn đầu còn xác định được nguồn lây, nhưng sau đó, ở một số nơi, nguồn lây gần như mất dấu hoàn toàn.
Nhưng dù vậy, ở trận địa nào, một chiến lược chung vẫn được chúng ta áp dụng đó là: Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để.
Xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) trong những ngày cách ly
Ngay từ ổ dịch đầu tiên - xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), việc cách ly được thực hiện theo 4 lớp: người bệnh, người nhà bệnh nhân, người tiếp xúc với người nghi nhiễm và người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm. Điều này đã ngăn ngừa lây lan ra cộng đồng.
00h00 ngày 4/3, xã Sơn Lôi được dỡ bỏ cách ly. Giai đoạn 1 của chiến dịch COVID-19 đã thành công.
Giai đoạn 2 của chiến dịch COVID-19 bắt đầu từ đêm 6/3. Hà Nội họp khẩn và công bố ca bệnh mắc bệnh đầu tiên, bệnh nhân nữ số 17. Ngay lập tức, 176 nhân khẩu tại đoạn phố Trúc Bạch được cách ly. Từ bệnh nhân 17 đã liên tiếp xuất hiện những ca lây nhiễm mới là người tiếp xúc với bệnh nhân này.
Chưa hết, các ca bệnh khác được xác định đều là hành khách trên chuyến bay VN0054 cùng bệnh nhân số 17 và Việt Nam đã gần như ngừng hết các chuyến bay. Những người nhập cảnh được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hầu hết các ca bệnh đều là xâm nhập từ nước ngoài.
Đến ngày 19/3, Việt Nam xuất hiện các ca bệnh mới phức tạp hơn nằm trong chính Bệnh viện Bạch Mai. Với sự xuất hiện liên tiếp các ca bệnh từng khám hoặc làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế xác định đây là ổ dịch lớn.
Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa từ 00h00 ngày 28/3. Hơn 7.000 mẫu bệnh phẩm của tất cả những người liên quan tới Bệnh viện bạch Mai được xét nghiệm.
Trong số 47 người mắc bệnh thuộc Bệnh viện Bạch Mai có 22 người thuộc công ty Trường Sinh. Bộ Y tế đưa ra thông báo khẩn, yêu cầu tất cả những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10 - 27/3 đều phải tự cách ly và liên hệ với y tế địa phương.
Hà Nội đã có sự lây lan ra cộng đồng khi liên tiếp xuất hiện những bệnh nhân và chùm ca bệnh.
Vào 00h00 ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức được dỡ bỏ cách ly
Còn tại TP.HCM, ngay từ khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập, thành phố này đã lo ngại về tình hình dịch, đề xuất cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 4. Và điều đó đã xảy ra, ổ dịch quán bar Buddha đã xác định được 18 người liên quan dương tính với COVID-19.
Cùng với cả nước, TP.HCM thực hiện cách ly toàn xã hội.
Ở Bình Thuận và Ninh Thuận, cùng một chiến lược được áp dụng, nhanh chóng phong tỏa khu vực có hiện tượng lây lan cộng đồng, điều tra dịch tễ, xét nghiệm hàng nghìn trường hợp nghi ngờ, chữa trị cho bệnh nhân với phương châm 4 tại chỗ.
Chúng ta đã và đang giành được những thắng lợi nhất định trong cuộc chiến chống COVID-19
"Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí là ổ dịch tiềm năng. Chúng ta cũng tiếp cận và khoanh vùng để dập dịch nên chúng ta vững tin rằng nếu thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ... thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Chúng ta đã và đang giành được những thắng lợi nhất định trong cuộc chiến chống COVID-19. Song cuộc chiến còn gian nan, kẻ thù nguy hiểm và khó lường. Chúng ta không được phép chủ quan!
Để hiểu rõ hơn cuộc chiến chống "kẻ thù" vô hình SARS-CoV-2 của Việt Nam thời gian qua, quý vị khán giả có thể theo dõi chương trình Chiến dịch COVID-19 qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!