Phiên chợ quê không bao giờ thiếu những món đồ đặc trưng.
Hàng quà, hàng bánh… vẫn là những món quen thuộc, vẫn là những gương mặt người bán hàng trong làng, trong xã, nhưng lần nào đi chợ chị Tâm ở Phương Trung, Thanh Oai cũng có cảm giác chợ đông hơn, nhiều người mới hơn. Đi chợ với chị Tâm không chỉ là mua sắm, mà còn là thú vui trong cuộc sống. Chị bảo, "Đi chợ từ ngày mười mấy tuổi, đi chợ này tiện lắm vì gần…".
Mặt hàng bánh đa mật, bánh đa vừng chỉ xuất hiện ở các phiên chợ quê.
Còn chị Liên, phiên chợ nào chị Nguyễn Thị Liên cũng mang đi bán 10 cái chổi rơm. Không có sạp bán hàng riêng, chỉ gánh trên vai đi rao khắp chợ, nhưng chị Liên đã có thương hiệu chổi ở trong cái chợ quê này. Ở đây, chợ chẳng có quy định chỗ nào bán cái gì, mặt hàng nào ngồi ở đâu, nhưng người dân mua bán với nhau bằng thói quen, bằng sự thân tình nên mọi sự khá suôn sẻ.
Với những người nông dân, một khoảng đất trống hay một góc ngồi nhỏ trong xóm cũng có thể thành chợ. Chợ quê không cần cầu kỳ về kiến trúc xây dựng, càng đơn giản bao nhiêu, thì người dân càng thấy tiện bấy nhiêu. Bởi đơn giản, họ chỉ đi chợ vào một buổi sáng và chợ cũng không họp cả ngày.
Lò rèn ở chợ quê ngày hội. Ảnh trong bài: thanhnien, bee.net.vn
Ngồi ở cuối hoặc đầu các ngôi chợ làng là bác thợ rèn. Chẳng bác thợ rèn nào ở chợ quê treo tấm biển hiệu, thế nhưng cứ đến chợ là tìm được. Đã là chợ quê thì cả làng, cả xã biết nhau, vì thế không cần treo biển, không cần quy định dãy hàng thì người ta cũng mua được món hàng mình cần. Một cái chợ có những người thân thuộc, có sự dân dã, đơn sơ là mong ước của những người dân nông thôn. Bởi những món hàng họ mua - bán và túi tiền của họ có lẽ phù hợp với một không gian như thế.