Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chợ được đầu tư hàng chục tỉ đồng ở ĐBSCL bị bỏ hoang. Điều đáng lo ngại là thực trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, việc này vẫn chưa được ngành chức năng xem xét thấu đáo.
‘ Chợ An Cư vẫn “cửa đóng, then cài” sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng . (Ảnh: Báo Tiền Giang)
Trong một vụ tai nạn gần đây, nhờ những chiếc rào chắn mà nhiều tiểu thương chợ An Bình thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã thoát chết. Hiện tại, khu chợ này đang xuống cấp rất nặng và gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho người dân. Nguy hiểm rình rập là vậy nhưng 120 hộ tiểu thương tại chợ không chịu di dời đến khu chợ mới, mặc dù huyện đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm từ 6 tháng tới 1 năm tiền phí thuê mặt bằng.
"Chợ An Bình hiện nay rất gần sông nên dễ buôn bán lắm. Vì vậy, không ai chịu đi hết", bà Lê Thị Bé Hai, tiểu thương trong chợ bộc bạch.
Năm 2011, UBND huyện Cái Bè chấp thuận cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng chợ An Cư, cách chợ An Bình khoảng 300m, với khoảng 47 ki-ốt và 105 quầy, sạp. Nhưng qua nhiều lần vận động, kể cả việc dùng biện pháp cưỡng chế tiểu thương ở chợ An Bình di dời vào chợ An Cư để kinh doanh, mua bán nhưng tất cả đều bất thành.
Nhiều tiểu thương đã đóng tiền thuê sạp tại khu chợ mới nay cũng quay về nơi buôn bán cũ. Vì vậy, chợ An Cư vẫn “cửa đóng, then cài” sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, trong khi đó chợ An Bình lại mua bán khá nhộn nhịp.
"Do tiểu thương nghĩ chợ mới không có được điều kiện thuận lợi như chợ cũ nên không chịu di dời. Hiện UBND cũng đã chỉ đạo xã tiếp tục vận động để người dân hiểu, lên buôn bán ở chợ mới cho an toàn và phù hợp với tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ các chính sách miễn giảm phí trong thời gian đầu", ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè khẳng định.
Ngoài huyện Cái Bè, hiện tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo và chuyển đổi mô hình các chợ truyền thống hiện có, với mục tiêu là nâng chất hoạt động thương mại ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Việc đầu tư cải tạo hệ thống chợ cấp xã là điều cần thiết, bởi đây là điều kiện thuận lợi nhằm đẩy mạnh hoạt động giao thương ở vùng nông thôn. Thế nhưng, việc quy hoạch chợ chưa sát với điều kiện thực tế và đáp ứng mong mỏi của nhân dân sẽ dẫn đến tình trạng những ngôi chợ được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang là điều khó tránh khỏi.
Nếu vấn đề trên chưa được giải quyết một cách thấu tình đạt lý, đây chắc chắn không phải là câu chuyện riêng của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.