Một gian hàng tại chợ cóc.
Theo ông Huỳnh Anh Trường, Phó Ban quản lý chợ Nghĩa Đô, lúc cao điểm, hiệu suất của chợ cũng chỉ đạt 65%. Trong chợ vẫn còn rất nhiều chỗ trống. Giá thuê mặt bằng cũng chỉ từ 70.000 - 80.000đồng/m2/tháng nhưng cũng chẳng cho thuê được hết vì tiểu thương thích chợ cóc gần đó hơn.
Ông Huỳnh Anh Trường, Phó Ban quản lý chợ Nghĩa Đô nói: “Nhiều hộ lựa chọn kinh doanh ở chợ cóc, chợ tạm do không mất phí, không phải đóng tiền thuế. Trong khi, chợ chính lại rất khó cạnh tranh với các hộ ở chợ cóc, chợ tạm”.
‘ Một góc chợ cóc quận Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: VTV)
Cách chợ Nghĩa Đô vài bước chân là một chợ cóc. Chợ này tấp nập từ sáng đến tối với đủ mặt hàng. Bám vào mặt ngõ để buôn bán, mọi khoảng trống ở đây được tận dụng triệt để.
Sạp hàng rau xanh trông có vẻ sơ sài nhưng đã theo chị Ngân suốt 2 năm qua. Ngõ nhỏ, người đông nên dường như việc buôn bán của chị Ngân cùng hơn 200 sạp hàng ở đây cũng có nhiều thuận lợi.
Chị Ngân thừa nhận, bán hàng ở đây là vi phạm, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, nhưng khi được hỏi vì sao chị không vào chợ bán hàng thì chị cho biết mình chưa thực sự bị thúc ép chuyển đi. “Nếu như người ta đuổi 100% thì tôi sẽ là người thực hiện đầu tiên”, chị Trần Thị Ngân chia sẻ.
‘ Tuy nhiên, đại diện UBND phường Nghĩa Đô cho biết, nhiều lực lượng địa phương đang bắt tay để quyết liệt xử lý chợ cóc này.
Bà Trần Thị Yến, Phó Chủ tịch Phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Ngoài nhắc nhở thì ban quản lý thu giữ đồ và xử lý vi phạm hành chính. Gần đây nhất, chúng tôi giao cho công an phường xử lý bằng vé phạt vệ sinh môi trường. Trước đây, chúng tôi cũng đã phạt các vi phạm, không cần biên bản và ra quyết định xử phạt luôn”.
Phường cũng cho biết, việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động của chợ cóc này được giao cho lực lượng bảo vệ dân phố. Nhưng ghi nhận cả buổi sáng, có duy nhất một đại diện của lực lượng dân phòng và hoạt động chủ yếu của vị đại diện này cũng chỉ là quan sát.
Và với sự “quyết liệt” như vậy, chợ cóc vẫn ngang nhiên tồn tại… ngay cạnh biển cấm họp chợ.