Tới thời điểm này, hoạt động mua bán ngoại tệ trái pháp luật đã lắng xuống, tỷ giá giữa đồng tiền nội tệ và ngoại tệ đang dần bị thu hẹp. Tuy nhiên, để hiệu quả này tiếp tục được phát huy bền vững thì cần tiến hành đồng thời các giải pháp kinh tế, tài chính linh hoạt. Nếu không, thị trường ngoại tệ “chợ đen” sẽ lại trỗi dậy dưới những hình thức tinh vi và khó kiểm soát hơn.
Đáp lại nhu cầu mua USD của khách hàng, các cửa hàng kinh doanh vàng tại khu vực trung tâm mua bán TP.HCM luôn cảnh giác, thăm dò hoặc từ chối. Tại Hà Nội, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép cũng hoàn toàn lắng xuống, kể cả các trung tâm kinh doanh vàng như Hà Trung, Trần Nhân Tông hay Hàng Bạc.
Tỷ giá giữa đồng nội tệ và ngoại tệ đang dần thu hẹp, giá vàng đang có xu hướng giảm. Điều đó cho thấy chủ trương siết chặt quản lý hoạt động thu đổi ngoại tệ đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Để mua ngoại tệ tại ngân hàng còn rất khó khăn, nên các tổ chức, cá nhân buộc phải tìm đến thị trường tự do, khiến việc mua bán ngoại tệ trái phép vẫn âm thầm diễn ra.
“Mua bán ngoại tệ trái phép trên thị trường tự do vẫn diễn ra do nhiều người dân có nhu cầu được cất giữ ngoại tệ, hoặc vàng cho đảm bảo nên họ vẫn tìm mua… Tất nhiên là không được công khai như trước, nhưng nó vẫn diễn ra”. Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTQLKT và chức vụ (Công an Hà Nội) cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, PGĐ Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM: “TPHCM hiện có khoảng 4000 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc. 4000 doanh nghiệp kinh doanh vàng này là 4000 dấu hiệu của kinh doanh ngoại tệ. Và như thế, quản lý được là rất khó khăn và chúng tôi phải nhờ vào lực lượng công an”.
Hiện có hơn 40 đại lý tại Hà Nội và gần 80 đại lý tại TP.HCM được cấp phép thu đổi ngoại tệ, nhưng không ai có thể khẳng định các đại lý này sẽ bán toàn bộ số ngoại tệ thu đổi được cho ngân hàng. Đây cũng là vấn đề tồn tại với hàng nghìn bàn thu đổi ngoại tệ trên cả nước do hệ thống ngân hàng trực tiếp tổ chức.
Ngân hàng Nhà nước đang tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm theo hướng nghiêm khắc hơn và đưa vào khung truy cứu hình sự. Các giải pháp kiến nghị cũng đều tập trung vào sự cần thiết tăng cường phối hợp kiểm soát liên ngành và bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, GĐ Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.Hà Nội cho rằng: “Chúng ta phải làm quyết liệt hơn, tăng cường hơn nữa khâu thanh tra, kiểm soát phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là giữa công an, QLTT với ngành ngân hàng”.
Tuy nhiên, mục đích tổ chức lại thị trường ngoại tệ là vận hành nó tốt hơn và định hướng cho người dân, doanh nghiệp giao dịch ngoại tệ đúng quy định chứ không phải là cấm. Theo ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, ngoài các giải pháp hành chính, cần tiến hành đồng thời các giải pháp kinh tế linh hoạt theo quy luật thị trường.
Ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm UB kinh tế Quốc hội: Giải pháp kinh tế thì tỷ giá phải linh hoạt, không được để quá chênh lệch về tỷ giá giữa đồng nội tệ và ngoại tệ. Vì càng chênh lệch thì dòng chảy càng khó kiểm soát, càng phát sinh thị trường ngầm thì chúng ta không những không thu hút, quản lý được đồng ngoại tệ, mà thị trường ngầm còn tác động vào thị trường chính thống. Rồi những biện pháp khác như phải xây dựng uy tín của đồng tiền nội tệ để người ta chủ yếu sử dụng đồng nội tệ mà không có tư duy đầu cơ về ngoại tệ.
Hoạt động mua bán ngoại tệ trái pháp luật luôn song hành với các hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường. Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động mua bán trái phép này là cần thiết và bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực. Nhưng vấn đề cốt lõi là phải ổn định nền kinh tế, chống lạm phát và giữ được uy tín đồng nội tệ. Nếu không, mọi giải pháp hành chính - kinh tế đều chỉ là đuổi theo thị trường.