Trẻ em phải lao động sớm có thể bị ảnh hưởng về thể chất, và mất đi nhiều cơ hội học tập và phát triển. Điều đáng nói, là hiện rất nhiều người vẫn có quan niệm, rằng trẻ em lao động là giúp đỡ gia đình, thể hiện sự chăm chỉ . Vậy làm như thế nào để thay đổi quan niệm này, làm như thế nào để trẻ em Việt Nam vừa có thể giúp đỡ cha mẹ mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của mình?
Mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Hoàng Văn Kế đã có hơn 20 năm làm nghề chạm khắc. Ở 1 xã có truyền thống làm mỹ nghệ như xã anh, chuyện các gia đình cho con em mình tham gia làm nghề như thế này, là rất phổ biến.
Anh Hoàng Văn Kế, xã Hiền Thanh, Thường Tín, Hà Nội cho biết: “Hồi đấy gia đình mình rất khó khăn nên mình đi học từ lúc mười một tuổi lúc đó mình vừa đi học mình vừa làm nghề. Bây giờ, các bậc phụ huynh không hẳn nghĩ về kinh tế nhưng chủ yếu cho các cháu đến đây là để khỏi cho rơi vào các tệ nạn xã hội”.
Những suy nghĩ như vậy, không hiếm gặp ở các vùng nông thôn. Tại nhiều nơi, vẫn có quan niệm cho trẻ em lao động là cách để các em rèn luyện, và giúp đỡ gia đình. Vì thế, mà theo điều tra mới nhất về lao động trẻ em vừa được công bố, 85% lao động trẻ em sống ở nông thôn, đang làm việc trong ngành nông nghiệp, có những em trong số đó đã phải bỏ trường lớp sớm để lao động.
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nói: “Việc nâng cao nhận thức đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại lao động trẻ em. Các nhà hoạch định chính sách, chủ sử dụng lao động và gia đình cần hiểu rằng mọi trẻ em phải được đến trường. Trẻ em là tài sản đáng giá nhất của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội”.
Một trong những thách thức hiện nay với vấn đề lao động trẻ em, đó chính là việc giúp các hộ gia đình và chủ cơ sở lao động phân biệt giữa lao động trẻ em và tạo điều kiện cho các em học việc và kiếm thêm thu nhập chính đáng. Bởi, không phải mọi hình thức lao động của trẻ em đều được coi là lao động trẻ em. Ranh giới giữa hai khái niệm này khá mỏng manh.
Ngay tại chính khu xưởng của anh Kế, hiện có rất nhiều thợ học việc là các em vị thành niên. Cách đây 2 năm, một dự án đã được triển khai tại xã Hiền Giang, nhằm đảm bảo vừa tạo điều kiện cho các em được lao động phù hợp, lại tránh được tình trạng lạm dụng lao động trẻ em. Trong đó, chú trọng đến tuyên truyền nhận thức cho người dân.
Chị Lê Thị Sơn, xã Hiền Thanh, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: “Hiện bây giờ thì ai cũng có nhận thức rồi, có nghĩa là người ta chỉ bảo đảm sức khỏe của người ta đến làm việc chỉ là tập làm, học việc thôi chứ khi nào các cháu học xong rồi ra trường có đủ tuổi để lao động được thì người ta mới cho các cháu đi làm”.
Theo Tổ chức lao động Quốc tế ILO, hiện Việt Nam còn tới 1 triệu 750 ngàn trẻ em phải lao động sớm và chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong cuộc chiến chống lại lao động trẻ em.