Hàng từ Trung Quốc về Việt Nam qua những chiếc đò trên sông Ka Long, Móng Cái. (Ảnh: 24h)
Thời gian qua, lợi dụng chính sách: Hàng hóa do cư dân có chung biên giới mua bán, trao đổi được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa không quá 2 triệu đồng/người/ngày, không ít người dân sống ở các khu vực biên giới đã trở thành người gom hàng thuê cho các đầu nậu, dẫn tới mất thuế nhập khẩu rồi mất thêm cả các loại thuế khác như GTGT, thu nhập DN.
Đối với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua, việc tính tiền và thu tiền sử dụng đất, tiền thuế đất đang có vấn đề. Tình trạng tồn tại chính sách 2 giá tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang gây thất thu lớn cho ngân sách bởi việc giá ghi trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều giá thực tế. Đặc biệt là để hợp thức khoản chênh lệch này, một số đơn vị đã lập ra các công ty con chạy lòng vòng để hợp thức hóa, rút tiền tham nhũng. Một số dự án thuộc tổng công ty như Sông Đà, HUD, Vinaconex cũng đang nằm trong diện nghi vấn.
Đó chỉ là vài trong vô vàn các tình huống thất thu thuế được chỉ ra trong hội nghị chống thất thu thuế do Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tổng hợp.
Nợ thuế và nợ đọng thuế cũng là điểm nóng của hội nghị. Nợ thuế của năm 2011 đã tăng tới gần 30% so với năm 2010, dự kiến năm 2012, với tình hình khó khăn hiện nay, số nợ thuế sẽ vẫn còn tiếp tục gia tăng. Mặc dù thời gian qua, ngành thuế đã sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ như cưỡng chế thu qua tài khoản, thậm chí phối hợp với cơ quan công an đề nghị không cho xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp đang nợ thuế, nhưng số thu vẫn không tăng. Theo nhiều cục thuế, vấn đề chính vẫn là nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn và cần sự hỗ trợ. Tuy nhiên do cơ chế phân kỳ thu nợ và giãn nợ, các cục thuế vẫn chưa thể chủ động được.
Theo đại diện Bộ Tài chính, để khắc phục tình trạng thất thu và nợ đọng thuế, Bộ đang trình Quốc hội thông qua luật quản lý thuế. Theo đó, các cơ sở pháp lý cho việc chống thất thu cũng được bổ sung hoàn thiện để công tác này đạt hiệu quả. Ngoài ra, các quy định chưa phù hợp với thực tế cũng sẽ được sửa đổi để doanh nghiệp không phải biến báo, vận dụng sai chính sách dẫn đến vi phạm. Số lượng doanh nghiệp thanh tra trong năm sẽ phải chiếm 15-20% trên tổng số doanh nghiệp quản lý để doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật thuế.