Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về biến đổi
khí hậu, trong năm 2013, các Bộ, ngành đã xây dựng và triển khai tương đối đồng bộ các chính sách nhằm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức bộ máy về ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được hoàn thiện, đồng thời triển khai một loạt chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đã bước đầu tạo ra luận cứ, cơ sở khoa học cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như nhận thức chưa đầy đủ về biến đổi khí hậu trong xã hội, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành với nhau và với các địa phương vẫn còn hạn chế trong khi biến đổi khí hậu đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành, liên vùng.
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác của năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường.
‘ Ảnh: Cổng ĐT chính phủ
Với kịch bản nước biển dâng cao 1m thì khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và đặc biệt là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu phải rà soát, cập nhật các nghiên cứu khoa học để đưa ra các dự báo chính xác khi xây dựng quy hoạch sản xuất cũng như quy hoạch bố trí dân cư; tiếp tục tăng cường, nâng cao năng lực dự báo thiên tai, đồng thời rà soát, bố trí ưu tiên nguồn vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải quyết liệt hơn nữa nhằm tạo ra những chuyển biến trong việc trồng mới, phục hồi diện tích rừng phòng hộ ven biển nhằm tạo vành đai chắn sóng.
Cùng với đó phải khảo sát, tính toán xây dựng các tuyến đê biển trọng yếu gắn với phát triển giao thông đô thị như xây dựng dự án chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, chú ý đảm bảo an toàn các hồ đập; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại và quản lý chặt chẽ tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản. Nếu trữ lượng tài nguyên vàng, quặng sắt, titan… mà khai thác chưa hiệu quả thì kiên quyết không cho khai thác vì gây ô nhiễm môi trường và phá hoại môi trường sinh thái.
Về nguồn lực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cần huy động nguồn lực xã hội hóa; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường, chú ý hợp tác để sử dụng nước bền vững trong đó có ràng buộc giữa các quốc gia trong sử dụng nguồn nước.