Chủ tịch nước làm việc với cán bộ chủ chốt TP Đà Nẵng. (Ảnh: VGP)
Tại đây, Chủ tịch nước đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con ngư dân Đà Nẵng và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển vừa trở về từ thực địa đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Chủ tịch nước cũng đã đi khảo sát các cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá, cơ sở kinh tế quốc phòng nhằm tìm ra các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong giai đoạn tiếp theo.
Ngay khi tới Đà Nẵng, Chủ tịch nước đã trực tiếp đến thăm và động viên chủ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26/5. Tận mắt thấy những vết tích hư hỏng trên thân tàu và lắng nghe lời kể của vợ chồng chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa về sự việc bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Chia sẻ với những mất mát về tài sản của gia đình và biểu dương tinh thần kiên cường bám biển, bám ngư trường của các thuyền viên trên tàu ĐNa 90152 nói riêng và ngư dân Đà Nẵng nói chung, Chủ tịch nước động viên vợ chồng chị Hoa tiếp tục bám biển vươn khơi, xúc tiến việc đóng tàu mới theo kế hoạch đã đặt ra.
Tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch nước tại âu thuyền Thọ Quang với 25 chủ tàu cá vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, các ngư dân đã phản ánh về những những khó khăn, thuận lợi trong việc đánh bắt cá trên biển giai đoạn hiện nay, đặc biệt kể từ khi xảy ra sự việc Trung Quốc hạ đặ giàn khoan trái phép. Các ngư dân cũng đề xuất với Chủ tịch nước xem xét, chỉ đạo các cấp, các ngành và các doanh nghiệp tìm cách ổn định đầu ra cho sản phẩm, sớm có hướng dẫn cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn; đồng thời tiếp tục tăng cường các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư để ngư dân yên tâm sản xuất, đánh bắt. Chủ tịch nước đã biểu dương tinh thần quyết tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống của bà con ngư dân. Đây chính là một trong nhân tố góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Để hỗ trợ ngư dân, Chủ tịch nước một lần nữa nhắc lại chủ trương dành nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để nâng cấp đội tàu, giảm lãi suất vay-vấn đề còn lại là triển khai thực hiện sao cho hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đến thăm, nói chuyện với lực lượng Kiểm ngư Vùng 2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương tinh thần dũng cảm, kiên cường, không nao núng của Kiểm ngư Việt Nam. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị lực lượng Kiểm ngư tiếp tục sát cánh cùng Cảnh sát Biển, đấu tranh giành thắng lợi trong bảo vệ chủ quyền, giúp ngư dân vững tin bám biển. Chủ tịch nước cũng đã trực tiếp xuống tàu động viên các cán bộ, chiến sỹ thuộc vùng 3 Cảnh sát biển vừa trở về từ thực địa.
Tại Tổng công ty Sông Thu, nơi mà chỉ trong 2 tháng vừa qua đã thực hiện 51 lượt sửa chữa tàu cho các lực lượng thị thi pháp luật trên biến, Chủ tịch nước hoan nghênh tinh thần khẩn trương, trách nhiệm của tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty và đề nghị Tổng công ty cần nâng cao năng lực, đóng mới và sửa chữa theo phương châm nhanh hơn, nhiều hơn, chất lượng hơn và hiện đại hơn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Sau khi khảo sát thực tế, Chủ tịch nước và đại diện các cơ quan Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về hướng phát triển kinh tế biển. Trong bối cảnh khó khăn, Đà Nẵng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước, thành phố được coi là một địa phương duy trì được đà phát triển năng động. Đà Nẵng đang tập trung đầu tư, xây dựng theo hướng trở thành trung tâm nghề cá miền Trung, hiện các dịch vụ nghề cá đã tương đối đầy đủ nhưng quy mô không lớn và đang rất cần vốn. Kinh tế phát triển là nguồn lực để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Chủ tịch nước đề nghị, với những thế mạnh vốn có, Đà Nẵng cần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn nữa, tạo điề kiện củng cố an ninh quốc phòng, đủ sức bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền. Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ 16.000 tỷ được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan Trung ương phải hoàn thành thông tư hướng dẫn trong vòng 2 tháng, phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết nhanh vấn đề phương tiện đánh bắt, tạo sức bật cho các địa bàn có ưu thế:
Thực hiện chiến lược biển quốc gia, vài năm trở lại đây kinh tế biển của cả nước phát triển khá nhanh, trong đó với vị trí chiến lược về cả về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh, Đà Nẵng đã có những đóng góp quan trọng. Chủ tịch nước nhất trí với lãnh đạo thành phố và các bộ ngành Trung ương rằng, tiềm năng phát triển kinh tế biển của Thành phố còn rộng rãi, thành phố cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa sự liên kết giữa kinh tế biển với quốc phòng an ninh; đồng thời hạn chế tối đa những bất lợi đối với ngư dân, kể cả đánh bắt và tiêu thụ.
Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, Chủ tịch nước cũng đề nghị Đà Nẵng cần chủ động trong huy động nguồn vốn tăng cường cho các công trình hạ tầng biển như cảng cá, âu thuyền, cảng hàng hóa tiếp tục phát huy thế mạnh của các lĩnh vực như cảng biển, du lịch, tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nghiên cứu để có được ngành công nghiệp trọng điểm, phù hợp với đặc điểm thành phố. Chủ tịch nước tin tưởng trong thời gian ngắn tói đây Đà Nẵng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới.