Chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 16/01/2020 19:51 GMT+7

Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Tiểu ban kinh tế - xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã họp phiên thứ 6 vào sáng 16/1.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đồng thời là Trưởng Tiểu ban chủ trì cuộc họp.

Phiên họp thứ 6 của Tiểu ban kinh tế - xã hội diễn ra sau khi Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030 cùng với Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2021 - 2025 đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến vào kỳ họp cuối tháng 10/2019.

Trong hơn 2 tháng qua, cùng với nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, Tiểu ban cũng đã tiếp tục xin ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 3 hội thảo chuyên đề về quan điểm mục tiêu phát triển, xây dựng xã hội kỷ cương trật tự an toàn và phát triển đô thị thành động lực phát triển đi cùng với xây dựng nông thôn mới đã được tổ chức.

Bên cạnh đó, Tiểu ban cũng đã tổ chức các hội thảo với Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đồng thời nghiên cứu tiếp thu đề xuất trong 12 báo cáo chuyên đề của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trong 10 báo cáo chuyên đề của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đến lúc này, trong 100 nhánh nghiên cứu nhỏ đã có 50 báo cáo được gửi về Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội.

Cũng trong 2 tháng qua, các Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Thường trực Tiểu ban kinh tế - xã hội, đã chủ trì 3 cuộc làm việc chuyên đề để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về nhóm nội dung khoa giáo, văn hóa, xã hội; nhóm nội dung về kinh tế và nhóm nội dung về an ninh - quốc phòng và pháp luật. Ngoài ra, Tổ biên tập cũng đã cập nhật các số liệu có được sau Tổng điều tra dân số và nhà ở cũng như kết quả phát triển kinh tế - xã hội sau 4 năm của nhiệm kỳ này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với các nội dung đã được Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến phần đánh giá tình hình, dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước cùng với quan điểm phát triển theo đúng tinh thần bàn tiến chứ không bàn lùi, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới yêu cầu công tác xây dựng văn kiện phải kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo với tầm nhìn, khát vọng và định hướng phát triển của mỗi địa phương cũng như cả nước đến năm 2030 và 2045.

Do đó, Thủ tướng đề nghị Tổ Biên tập tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như kinh tế vùng, kinh tế biển, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, du lịch, kết cấu hạ tầng và văn hóa xã hội. Trong chiến lược 10 năm phải thể hiện nổi bật được vai trò của các yếu tố mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa con người, khát vọng dân tộc, ý chí phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ cũng như vấn đề phát triển hài hòa bền vững, nhất là phát triển mạnh mẽ văn hóa xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cần nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm gồm cả kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước, nhất là các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng, để rút ra được Việt Nam phải làm gì để đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Nhắc lại mục tiêu được Thủ tướng đặt ra từ phiên họp thứ 2 của Tiểu ban là Chiến lược 10 năm, Phương hướng phát triển 5 năm phải được "Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao", Thủ tướng nêu rõ các dự thảo này phải được coi như một công trình nghiên cứu khoa học, các địa phương và người dân phải thấy mình trong đó, còn các nước nhìn thấy rõ được định hướng phát triển của Việt Nam để tạo ra được niềm tin mới và cách làm mới.

Về nhiệm vụ của Tiểu ban kinh tế - xã hội trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Tổ biên tập tiếp tục nghe thêm ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và một số nhà khoa học để tiếp tục bổ, sung hoàn thiện cùng với xây dựng báo cáo tóm tắt xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Đại hội Đảng các cấp, các dự thảo này sẽ được xin ý kiến nhân dân và tiếp đó sẽ được tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cuối cùng là hoàn thiện để để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước