“Chuyện cũ Hà Nội”

Việt Dũng - Phạm Hà -Thứ sáu, ngày 09/10/2009 10:03 GMT+7

Chỉ còn hơn 365 ngày, Hà Nội tròn 1000 năm. Một ngàn năm ấy đã biết bao thế hệ, biết bao con người được sinh ra, lớn lên, được hít thở không gian, cỏ cây hoa lá và cái hồn người ở đất Kinh kỳ. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam book phối hợp tái bản bộ sách “Chuyện cũ Hà Nội” của Nhà văn Tô Hoài.

“Chuyện cũ Hà Nội” được xuất bản lần đầu vào những năm 80 của thế kỷ trước. Mới chỉ mấy chục năm, nhưng ngày ấy, nếu lật giở những câu chuyện cũ về Hà Nội của Tô Hoài, thêm một chút lãng đãng, phiêu phiêu khi nhìn qua khung cửa sổ, thì dù Xuân - Hạ - Thu - Đông, cái hồn của Hà Nội vẫn cứ như vấn vương, trong lành, thanh mát hiển hiện trong tâm tưởng mỗi người.

Truyện về Hà Nội, những câu chuyện tưởng chừng cũ kỹ bỗng chốc cứ làm ta hồi tưởng, day dứt trong ngẩn ngơ nỗi nhớ về một ngày chưa xa. Cái ngày mà trẻ nơi phố cũ vẫn đua nhau dậy sớm đi bắt ve những buổi đầu hè, tranh nhau chùm sấu non khi thu sang hay giành nhau bông hoa gạo của cây gạo già mà giờ không còn trước cổng đền Ngọc Sơn, ngắm nhìn cây lộc vừng chín gốc rắc hoa đỏ ối đất trời Hồ Gươm tháng 3. Hoa sữa đường Nguyễn Du, hoa sấu đường Phan Đình Phùng, rặng ổi găng cuối đường Yên Phụ… cái nỗi nhớ chẳng nên lời cứ man mác đưa ta về thăm từng con phố, từng ngõ nhỏ của 36 phố phường với bánh cuốn, rau thơm, bát cơm đầu ghế với hàng phở gánh thơm nồng mùi quế, thảo quả ai đi ngang nhà.
Không kiêu bạc như Nguyễn Tuân, không đau đáu trong cái nắng ngộp trời quanh năm nhớ về mùa đông mưa phùn, gió bấc với món ngon đất Bắc như Vũ Bằng… “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài đưa ta về với miền ký ức như cuộc phiêu lưu của chú dế mèn trong ký ức tuổi thơ.
Có một khoảng không gian nào đó như riêng chỉ của Tô Hoài khi viết về mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi hàng cây của ba sáu phố phường. Cái tiếng tàu điện leng keng, leng keng từ Bờ Hồ đi Cấu Giấy - Chợ Bưởi - Chợ Mơ hay tút tít tận Hà Đông… hàng cây Sao đen cao vút Bang cò Lò Đúc, tiếng rao đêm hay những mợ hai phố Hàng Đào, tấm áo mới của trẻ ven đô ngày giáp Tết, mâm cơm ấm áp đêm giao thừa...
Tất cả dẫu chẳng phác thành một hình hài cụ thể, hoài niệm chuyện cũ, chuyện xưa giờ cứ bảng lảng, mơ hồ về một Hà Nội thoảng trong sương sớm cuối Thu đầu Đông. Tĩnh lặng, thanh bình ta ngồi bên góc lầu Bát Giác cuối sân trường Chu Văn An để ngắm đàn Sâm cầm đậu thành một dải mờ mờ ảo ảo bên sóng nước Hồ Tây. Bầy Sâm cầm bỗng chốc vụt bay lên rồi xao xác quay về chốn cũ.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết những lời tựa cho cuốn “Chuyện cũ Hà Nội” tái bản vào năm cuối cùng của thế kỷ trước - năm 1999 như sau: “Chuyện cũ Hà Nội có thể coi là một thứ Vũ Trung tuỳ bút thời hiện đại. Vì những mẩu chuyện không dài, Tô Hoài với tư cách là một chứng nhân đã ghi lại muôn mặt đời thường của cái Hà Nội thuộc Tây. Tuy mới qua sáu, bảy chục năm mà dường như không ai nhớ nữa, thậm chí đã trở thành chuyện đời xưa”.
Hà Nội đâu phải của riêng ai. Nhưng Hà Nội vẫn như là của riêng mỗi một người con Hà Nội. Họ yêu, họ nhớ, họ tha thiết với tình yêu của mỗi cái Tôi mang đầy kỷ niệm.
“Chuyện cũ Hà Nội” - Những câu chuyện của hoài niệm về một Hà Nội xưa. Một cái ngày xưa mãi đong đầy nỗi nhớ với những miền ký ức không bao giờ trở lại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước