“Chuyện thời bao cấp”

Ngọc Hà-Thứ ba, ngày 18/08/2009 09:37 GMT+7

Những câu chuyện chân thực về cuộc sống thường nhật của người dân trong một giai đoạn lịch sử nhất định khi đất nước sống trong thời kỳ kinh tế, kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp... Tất cả được gói gọn trong 2 tập sách của Nhà xuất bản Thông tấn với tựa đề “Chuyện thời bao cấp”. Tái hiện nhiều chiều cuộc sống những năm trước đổi mới, “Chuyện thời bao cấp” giúp bạn đọc hiểu thêm một thời kỳ gian khó, qua đó thấy được những thành tựu của công cuộc Đổi mới hơn 20 năm qua.

“Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần/Ba yêu rửa mặt bằng khăn/Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa”. Nhiều bạn trẻ đã bật cười, khi đọc bài thơ “Bốn yêu” trong cuộc triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp”- Một thời kỳ cách đây chừng ¼ thế kỷ mà cứ ngỡ như là cổ tích.

Thời bao cấp, người dân tìm mọi cách chạy bằng được vào cơ quan Nhà nước để được cấp sổ gạo; Làm việc ở phòng nọ, phòng kia cũng xin bằng được xuống sản xuất để được hưởng tiêu chuẩn lao động nặng từ 17 đến 21kg. Mỗi lần đến kỳ đong gạo thì nhà nhà xếp hàng, người người chen chúc. Ai không may mất sổ gạo trông mới thảm hại làm sao, bởi cả tháng đó phải chạy ngược chạy xuôi để lo tạm cấp, trước khi làm được sổ mới.

Thời bao cấp, một nhà thơ đã viết đại ý: Khi con sinh ra, bố phải chạy xin mười mấy con dấu vuông, tròn. Đầu tiên là xin giấy chứng sinh ở trạm xá, rồi làm giấy khai sinh. Tiếp đó, xin thêm mấy cái giấy giới thiệu của cơ quan người mẹ, rồi mang từng ấy thứ giấy lên công an huyện và các phòng Thương nghiệp, phòng Lương thực… để nhập hộ khẩu và xin cấp tiêu chuẩn lương thực. Việc chạy xin các loại giấy tờ bao giờ cũng được ưu tiên làm trước vì để chậm, mất tiêu chuẩn một tháng gạo và thực phẩm, dù là tiêu chuẩn của trẻ em cũng tiếc đứt ruột.

Những câu chuyện “không thể tin nổi” nhưng lại là sự thật về một thời quá vãng. Có chút gì đó chua xót lẫn hài hước. Có chút gì đó phê phán và là hoài niệm buồn. Có chút gì đó để soi lại mà thấy mình sáng suốt khi xoá bỏ nó đi để bắt kịp một xã hội năng động.

Trong cảnh khốn khó của đêm trước đổi mới, đã có những đột phá táo bạo mà những người mở đường chấp nhận đầy rẫy rủi ro, thậm chí bằng cả sự nghiệp và sinh mệnh của họ.

Những cuộc đột phá đồng loạt xuất phát từ những bức xúc của nông dân, công nhân, doanh nhân. Thế mới mới có chuyện nông nghiệp miền Bắc làm chui, thành thị miền Nam vượt rào. và đều được bật đèn xanh. Vì vậy mới có khoán 100, khoán 10. Và tiếp đó chính sách đổi mới toàn diện được bắt đầu từ Đại hội VI đã thực sự xóa bỏ từ gốc cơ chế quan liêu bao cấp.

Cũng kể từ đại hội mang tính quyết định ấy, công cuộc Đổi mới đất nước đã đạt được những thành tích to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo ra những bước phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội như chúng ta đã chứng kiến trong hơn 20 năm qua. Những thành tựu đó đã khẳng định đường lối Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là đúng đắn.

Những câu chuyện không hư cấu trong 2 tập sách dù chưa thể tái hiện hết được cuộc sống thời bao cấp với những khó khăn, chật vật và phiền toái. Nhưng có một điều đặc biệt là cái đẹp của lòng nhân ái, tính cộng đồng mà không dễ gì tìm được trong xã hội bây giờ.

Ví như câu chuyện về một người phụ nữ ở phố Vương Thừa Vũ (giờ đã thành bà) đan cho chồng chiếc áo mút với hàng trăm mối nối từ những sợi mút thừa, rất ngắn. Đó cũng là chiếc áo ấm duy nhất mà chồng bà có để diện trong mười mấy mùa đông Hà Nội lạnh giá.

Những câu chuyện cảm động như thế đã lý giải một điều: Vì sao một số người sống qua thời bao cấp vẫn có cảm giác hạnh phúc khi nhắc lại thời kỳ này (dù cho họ thừa hiểu những thiếu thốn của nó). Thời kỳ đó, con người sống hồn nhiên, yêu thương nhau và vì vậy họ dễ dàng vượt qua những khốn khó.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước