Chiều 31/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên toàn thể về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm nay và dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương cho năm sau. Vấn đề được nhận được sự quan tâm là có nên tiến hành cải cách tiền lương trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn hiện nay và việc đảm bảo minh bạch trong vấn đề nợ công.
Tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt cùng với những quyết sách hợp lý của Chính phủ, vấn đề thu chi ngân sách đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, quá trình thực thi chính sách tài khóa cũng bộc lộ những mặt bất cập như cơ cấu chi ngân sách của chúng ta chưa hợp lý, tốc độ tăng chi thường xuyên lớn hơn chi đầu tư, bội chi ngân sách ở mức cao. Điều này khiến nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ lớn dẫn tới phải vay để đảo nợ. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để giải quyết tốt hơn vấn đề nợ công trong thời gian tới.
Về vấn đề cải cách tiền lương, một số đại biểu đã bày tỏ ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ. Việc không tăng lương không chỉ giảm áp lực cho ngân sách hiện nay mà còn không làm mất đi công bằng xã hội.
Đồng tình với những khó khăn của ngân sách Nhà nước trong những năm tới, song đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội là không tăng lương do bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp và tăng lương cơ bản sẽ kéo theo tăng chi ngân sách
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng cho rằng, cần phải tạo tâm lý ổn định và có cách chứng minh cho toàn xã hội về an toàn nợ công, cũng như giải thích thỏa đáng cải cách tiền lương. Vấn đề là đảm bảo sự minh bạch, công khai và làm quyết liệt hơn nữa trong xử lý tình trạng lãng phí dàn trải trong đầu tư và sử dụng ngân sách để người dân cùng tham gia giám sát. Một số đại biểu đề nghị, tiếp tục giữ mức bội chi trong năm 2015 ở mức 5% GDP để tiếp tục có tiền chi cho đầu tư và chính sách an sinh xã hội, cắt giảm các chương trình mục tiêu quốc gia và dành phần lớn ngân sách chi cho an ninh quốc phòng giữ vững chủ quyền quốc gia.
Mời quý vị theo dõi chi tiết một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua VIDEO sau đây: