Biến động giao dịch của ORS. (Ảnh: VnEconomy)
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh thông tin về sự liên quan của công ty CK Phương Đông đến vụ vỡ nợ được cho là lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng của Bà Huỳnh Thị Huyền Như, từng là thành viên Hội đồng quản trị của công ty này vẫn chưa được làm rõ.
Trong khi thanh khoản của hai sàn tiếp tục ảm đạm, cổ phiếu nhóm chứng khoán giảm mạnh phiên buổi sáng, thì cổ phiếu ORS tại tăng trần lên 3.400 đồng/cổ phiếu sau nhiều phiên giảm liên tiếp. Khối lượng khớp lênh của ORS cũng đột ngột tăng lên 1,04 triệu cổ phiếu, gấp hơn hai lần mức giao dịch trung bình của 10 phiên gần nhất, với dư mua giá trần cuối phiên lên đến hơn 600 nghìn đơn vị.
Lí do của sự giao dịch đột biến này được xem là từ bản báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 chưa được kiểm toán vừa công bố của ORS.
Một điểm đáng chú ý trong bảng cân đối kế toán là bên Tài sản có sự xuất hiện bất ngờ của một khoản tiền mặt lên đến hơn 1.000 tỷ đồng được thuyết minh là tiền gửi tại ngân hàng, tăng đột biến so với số dư chỉ 120 tỷ đồng trong bản báo cáo quý 2.
Đồng thời, bên Nguồn vốn đối ứng, cũng xuất hiện đột biến một khoản phải trả giao dịch chứng khoán gần 1.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia kiểm toán khẳng định với phóng viên VTV, rõ ràng là hai khoản này có liên quan đến nhau và sự xuất hiện của chúng là một hiện tượng bất thường.
Trong khi giao dịch trên hai sàn ảm đảm, trung bình mỗi phiên chỉ đạt khoảng 600 tỷ đồng, mà một công ty chứng khoán quy mô nhỏ như ORS có thể thu hút được một lượng tiền của nhà đầu tư cho giao dịch chứng khoán lên đến hơn 1.000 tỷ là một điều bất thường. Điều này càng đáng ngờ hơn khi xem xét kỹ thì doanh thu môi giới của công ty chứng khoán này trong cả 9 tháng đầu năm mới chỉ khiêm tốn ở mức trên 5 tỷ đồng.
Một thông tin đáng quan tâm là ngày 25/10, trong khi các nhà đầu tư đua mua ORS giá trần thì xuất hiện cổ đông nội bộ là thành viên Ban kiểm soát và những người liên quan đồng loạt đăng ký bán ra với số lượng lên đến hơn 230 nghìn đơn vị. Cụ thể, tất cả thành viên trong gia đình của bà Trần Thị Kim Ánh, thành viên Ban Kiểm soát đều bán gần như toàn bộ số cổ phiếu ORS mà họ đang sở hữu.
Vấn đề còn lại là thực hư là các khoản đột biến trên là gì? Tại sao trong vài tháng mà tình hình tài chính của ORS lại biến động lớn như vậy. Thuyết minh báo cáo tài chính của ORS khá nghèo nàn, không giúp nhà đầu tư trả lời các thắc mắc này. Để làm rõ các thông thắc mắc của nhà đầu tư, Phóng viên VTV đã liên hệ với Công ty Chứng khoán ORS, nhưng công ty này từ chối trả lời.
Tin bài liên quan: