Công an Phú Thọ phá đường dây làm sổ BHXH giả

Linh Khánh-Chủ nhật, ngày 01/07/2012 13:00 GMT+7

Công an tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện một đường dây làm giả số bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu. Đối tượng tham gia đường dây này lại chính là cán bộ bảo hiểm xã hội. Phần lớn những được làm sổ bảo hiểm xã hội giả là nông dân hoặc những người không đủ điều kiện nhận lương hưu.

Sổ bảo hiểm xã hội giả bị phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ. (Ảnh: CAND).
Hai vợ chồng ông Hà Bình Minh ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ là anh em họ với đối tượng Phạm Văn Tuấn – nguyên cán bộ bảo hiểm xã hội của huyện Phù Ninh. Do thời gian đóng bảo hiểm không đủ để được hưởng lương hưu nên khi nghe Tuấn nói có chế độ đóng bảo hiểm tự nguyện để nhận lương hưu, hai vợ chồng ông đã đồng ý và đưa cho Tuấn số tiền hơn 190 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Minh mới chỉ được nhận sổ hưu còn tiền thì chưa được lĩnh một tháng nào.
Ông Hà Bình Minh nói: “Tổng cộng số tiền mà vợ chồng tôi đưa cho anh Tuấn là 194,5 triệu đồng. Bắt đầu từ tháng 11/2011 tôi có lương, vợ tôi có lương từ tháng 12/2011. Nhưng thực tế, số lương hàng tháng của hai vợ chồng tôi, chúng tôi không được lĩnh”.
Theo cơ quan điều tra tội phạm kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ, từ tháng 3/2006 đến tháng 2/2012, đối tượng Tuấn đã lợi dụng vị trí công tác của mình để nhờ nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn đóng dấu khống xác nhận thời gian làm việc cho những người không đủ tiêu chuẩn hưởng lương hưu. Sau đó, Tuấn đưa tên họ vào danh sách nộp bảo hiểm xã hội theo tiêu chuẩn nhận sổ hưu. Với mỗi sổ hưu giả, Tuấn và vợ là Hòa nhận số tiền từ 90-100 triệu đồng/người. Theo danh sách của cơ quan điều tra, đến thời điểm này đã có gần 80 trường hợp được nhận sổ hưu không đúng quy đình, trong đó có những người thuộc địa phương khác như Hà Giang, Quảng Ninh.
Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm kinh tế, công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Thiệt hại cho Nhà nước là hàng tháng phải trả những khoản tiền lương mà thực tế người nhận không đủ điều kiện để nhận lương hưu. Theo tính toán ban đầu, khoản tiền này là trên 1 tỷ đồng”.
Nguyên nhân để vợ chồng Tuấn - Hòa có thể thực hiện được hành vi lừa đảo này chính là sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý thẩm định hồ sơ. Đó là việc thẩm định thời gian của người lao động đóng bảo hiểm và thời gian công tác thực tế khác xa nhau nên cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ cần có giấy đề nghị của đơn vị đóng bảo hiểm là có thể cấp sổ.
Ông Ngô Thanh Hải, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Phù Ninh, Phú Thọ nói: “Quy trình của chúng tôi là khi đơn vị đăng ký đóng BHXH và tiền nộp vào cơ quan BHXH, sau khi có danh sách người lao động kèm theo tờ khai thì thẩm định cấp sổ bảo hiểm cho người ta”.
Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm: “Cơ quan BHXH khi theo dõi việc đóng bảo hiêm thì theo dõi theo đầu doanh nghiệp, theo danh sách của doanh nghiệp gửi lên. Khi cấp sổ bảo hiểm, sổ hưu lại cấp cho cá nhân. Do đó, hệ thống theo dõi đối với các cá nhân trong suốt quá trình đóng bảo hiểm khó có thể dối chiếu so sánh được”.
Hiện nay, đối tượng Phạm Văn Tuấn đã mất trong một vụ tai nạn, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh những hành động lừa đảo vi phạm pháp luật từ vợ của đối tượng Tuấn là Hán Thị Hòa. Trong thời gian tới, sau khi rà soát và tạm dừng các sổ bảo hiểm sai quy định, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng vụ án để điều tra, xác minh những người có liên quan đến việc khai khống và làm giả sổ BHXH.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước