Ngày hôm qua (20/9), Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đã công bố thông tin về chất lượng an toàn hải sản 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường do Formosa gây ra .
Hải sản được phân ra ở tầng mặt và tầng đáy, ở gần bờ và xa bờ. Tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm đối chứng đều không phát hiện mẫu nào có Xyanua – chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loại.
Các chỉ số thuỷ ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh trên đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định đối với tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi đảm bảo an toàn. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng tôm, ghẹ, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý vì chưa đảm bảo an toàn.
"Đối với cá ở khu vực tầng nổi, ngư dân cứ khai thác bình thường trên các vùng biển. Tuy nhiên các tàu nhỏ khai thác cá tầng đáy vùng ven bờ trong vòng 25km thì bà con nên chuyển nghề hoặc tham gia khai thác cá tầng nổi. Điều này nhằm đảm bảo việc khai thác được lượng cá an toàn, vừa đảm bảo hệ sinh thái thủy sinh được phục hồi và phát triển", ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn trước công bố này của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp. Làm sao xác định được đâu là cá tầng đáy hay cá tầng nổi, việc hải sản di cư thường xuyên thì làm sao xác định được đâu là hải sản an toàn hay nhiễm độc... là một trong số nhiều băn khoăn đó.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!