Đây là công nghệ tiên tiến đang được sử dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới giúp giảm thời gian cắt điện, không gây gián đoạn cung cấp điện trong quá trình thi công, sửa chữa.
Trạm biến áp Kim Quan 7, huyện Thạch Thất, Hà Nội vừa được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Trước đây, để đưa 1 trạm biến áp như vậy vào hoạt động, công ty điện lực sẽ phải cắt điện trong khoảng 4 tiếng đồng hồ để đấu nối trạm vào đường dây. Nhưng với công nghệ sửa chữa điện "nóng" việc này đã hoàn toàn thay đổi.
Hiện tại, nhánh đường dây trạm Kim Quan 7 được đấu nối đang cấp điện cho 4 trạm biến áp khác với khoảng 1.000 hộ. Trong thời gian trạm biến áp mới được đấu nối, các hộ dân này vẫn có thể sinh hoạt, sản xuất bình thường.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất ngày một tăng và cũng đòi hỏi cao hơn về tính ổn định đối với việc cung cấp điện. Việc mở rộng áp dụng công nghệ sửa điện "nóng" là rất cần thiết.
Công nghệ sửa chữa điện "nóng" được Tổng công ty điện lực Hà Nội đưa vào áp dụng từ cuối năm 2017. Với công nghệ mới này, việc sửa chữa, thay thế thiết bị sẽ được thực hiện trực tiếp trên đường dây đang mang điện. Từ khi công nghệ sửa chữa điện nóng được đưa vào áp dụng, thời gian mất điện do sửa chữa đã giảm tới 60%.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!