Cuộc gặp thượng đỉnh châu Âu: Sẽ không có kết quả như mong muốn?

Lê Bình -Thứ sáu, ngày 09/12/2011 13:00 GMT+7

Khảo sát của Reuters cho thấy hơn một nửa số nhà kinh tế tham gia cuộc gặp thượng đỉnh châu Âu tại Brussels hôm nay nhận định sẽ cuộc gặp này sẽ không kết quả.

(Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Sarkozy bên lề cuộc gặp gỡ thượng đỉnh tại Brussels. Ảnh: AP)

Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jose Barroso đã gặp trước ở Marseille để tranh thủ sự ủng hộ cho kế hoạch thay đổi Hiệp ước châu Âu nhằm tăng cường kỷ luật ngân sách giữa các nước trong khu vực. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc Liên minh châu Âu có đứng vững được trước khủng hoảng vẫn chưa có gì chắc chắn.

Phát biểu với báo chí, Tổng thống Pháp Sarkozy cho rằng, châu Âu đang ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm. Hiện khu vực đồng Euro chỉ còn một lựa chọn: Hội nhập hơn nữa hoặc phá sản. Trong khi đó, thời gian để châu Âu cứu đồng Euro còn quá ít, chỉ có Paris và Berlin mới đưa ra giải pháp tin cậy mà các các thành viên có thể chấp thuận.
Những qui luật tài khóa mạnh bạo hơn, trừng phạt những quốc gia vi phạm và xét lại toàn bộ một hiệp ước đang chi phối châu Âu, đó là quan điểm của nước Đức trong việc giải quyết khủng hoảng.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức khẳng định: “Chúng ta sẽ tìm lối thoát ra cho cuộc khủng hoảng. Sẽ có những giải pháp tốt, nhưng khủng hoảng sẽ không được giải quyết chỉ sau một đêm, mà sẽ mất nhiều năm trước khi đồng euro đứng vững trở lại. Thực sự chúng ta đang đối mặt với những vấn đề có thể tốn vài thập kỷ để giải quyết”.
Nhiều nước châu Âu tỏ ý bi quan về kết quả cuộc họp thượng đỉnh và nghi ngờ tính hiệu quả của việc thay đổi hiệp ước châu Âu.
Ông Jose Manuel Barosso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: “Chúng ta cần đoàn kết cùng nhau đi qua cuộc khủng hoảng này. Trong khi tất cả các chỉ số kinh tế đều là màu đỏ, thất nghiệp đang gia tăng và nguy cơ suy thoái ngày càng hiện rõ, chúng ta cần đặt dấu chấm hết cho những bất ổn và đưa sự tự tin trở lại”.
Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã hối thúc các nước châu Âu hành động ngăn cuộc khủng hoảng đang đe dọa cả thế giới. “Nước Mỹ và cả thế giới đều đang rất quan tâm đến thành công của những nỗ lực từ châu Âu”, Bộ trưởng Timothy Geithner nói.
Đã có nhiều cáo buộc về thời điểm hãng xếp hạng tín dụng Standard and Poor’s đưa ra cảnh báo hạ xếp hạng các nước thuộc eurozone đã làm căng thẳng thêm tình hình. Nhiều người hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết khủng hoảng.
Hôm qua, ECB đã cắt giảm lãi suất xuống 1% và đưa ra các gói vay dài hạn, nhưng lo ngại vẫn tiếp tục gia tăng khi ngân hàng này tuyên bố không tăng cường mua trái phiếu các nước.

Tin bài có liên quan

Tương lai của đồng Euro?

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước