Đăk Nông: Nan giải bài toán tái canh cà phê

Tấn Hiền-Thứ năm, ngày 09/05/2013 11:14 GMT+7

Số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp tại Đăk Nông chiếm khoảng 25.000 ha. (Ảnh minh họa)

 Việc thiếu chặt chẽ trong quá trình kiểm soát nguồn giống đã khiến nhiều diện tích cà phê tái canh tại huyện Đăk Mil (Đăk Nông) chết hàng loạt.

Xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt tái canh cây cà phê năm 2012. Toàn bộ hơn 17.000 cây giống của xã được phân bổ trong năm 2012 tương đương khoảng trên 17 ha gần như đã bị xóa sổ. Điều đáng nói là phần lớn lượng cây này đã chết ngay từ khi còn trong bầu ươm. Trước tình thế cây cũ đã chặt hạ, nên người dân cũng đành lựa chọn những cây còn sống để trồng mà không thể lường được hậu quả là vừa tốn công, vừa mất của.

Ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, cho biết: “Tôi không biết quy trình chăm sóc ở vườn ươm như thế nào, nhưng khi bà con mang ra trồng phần lớn cây cao su đều bị cháy lá, chết dần chết mòn. Hiện tại tỉ lệ cây sống không còn được bao nhiêu”.

Hiện toàn tỉnh Đăk Nông có khoảng 25.000 ha cà phê già cỗi cần phải tái canh, chiếm ¼ tổng diện tích cà phê toàn tỉnh. Tái canh những diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém là một chủ trương đúng và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Và với mong muốn chọn ra những giống thuần, năng suất, chất lượng để trồng đại trà, nên ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành việc cung ứng giống để tái canh cà phê. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nguồn giống sau năm đầu tiên thực hiện chủ trương này đã có vấn đề.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil, cho biết: “Năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành gieo ươm cây giống và sẽ tiến hành giám sát quy trình sản xuất để đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn. Trong số những đối tượng được cấp phát giống, chúng tôi sẽ ưu tiên những hộ có cây chết trong năm vừa qua”.

Không tin tưởng vào nguồn giống được hỗ trợ, sau một năm chậm trễ nhiều nông dân tại huyện Đăk Mil lại quay về cách làm truyền thống, đó là tự chọn giống để ươm cây. Cách làm này vẫn tiềm ẩn những rủi ro về lâu dài do nguồn giống không được chọn lọc và thiếu đồng nhất. Chính cách làm tắc trách của ngành nông nghiệp không chỉ gây thiệt hại cho nông dân, mà còn làm chậm quá trình tái canh cây cà phê, một chủ trương lớn của ngành Nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước