Đưa tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số vào trường học sẽ giúp người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức. Ảnh: Báo Bình Định
Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đến từ 8 tỉnh miền núi Tây Bắc, các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Đảm bảo quyền con người trong dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc" do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức ngày 8/12 tại Yên Bái.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ra nhiều chính sách đặc thù nhằm quan tâm, chăm lo, giúp đồng bào ổn định đời sống, sản xuất, đảm bảo đầy đủ các quyền cơ bản của con người đã được quy định trong hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, là vùng núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở đây được xác định là cao nhất cả nước với gần 40%.
Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số Tây Bắc, các cấp ủy, chính quyền cần thực thi đầy đủ và quyết liệt hơn nữa chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những vùng khó khăn, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo.
Các chính sách đảm bảo quyền con người của các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc những năm qua được đánh giá là có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng theo nhiều đại biểu, trong điều kiện dân trí, cơ sở hạ tầng ở vùng núi vẫn còn khó khăn hiện nay cần phải tăng cường đầu tư nhiều hơn, thì trong tư duy, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần phải đổi mới. Cần xóa bỏ những định kiến, tâm lý cứu trợ, xin cho bằng cách nghĩ đầu tư để khai thác thế mạnh, đầu tư để tạo động lực phát triển - đó cũng chính là đảm bảo quyền lợi chính đáng của con người.
Các chuyên gia thuộc các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm lo, đảm bảo đời sống, quyền con người, đặc biệt là ở những vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn. Đồng thời cho rằng, đây là một trong những vấn đề khó mà hầu hết các nước trên thế giới đang gặp phải và tìm cách giải quyết:
Ông Ugo Caruso, Chuyên gia của EU về nhân quyền đánh giá: "Ý kiến của các cơ quan Trung ương và địa phương đưa ra tại hội thảo rất thẳng thắn. Mặc dù vẫn còn những khó khăn trong việc đảm bảo đời sống của đồng bào dân tộc ở những vùng khó khăn cần tiếp tục giải quyết, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam và các cơ quan đã có những chính sách quan tâm khá thỏa đáng. Bản thân tôi cảm thấy lạc quan về cách mà các bạn thực thi chính sách đảm bảo quyền con người".
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến để nâng cao dân trí, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, một trong những điều góp phần đảm bảo quyền con người tốt nhất chính là việc tạo ra việc làm và động lực để khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân để những vùng này trở thành các "đầu tàu" chứ không phải là các "thân tàu" ì ạch.