Đạo đức xã hội: Vấn đề nhức nhối không chỉ của riêng ai

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 27/02/2020 14:25 GMT+7

VTV.vn - Sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay đang trở thành vấn đề nhức nhối, không thể làm ngơ đối với không chỉ từng cá nhân mà toàn thể xã hội.

Những hành vi bạo lực, những ứng xử thiếu văn hóa, những cán bộ công chức đang làm mất hình ảnh người công bộc của nhân dân... - tất cả những hình ảnh đó đang khiến chúng ta phải lo lắng đến một vấn đề hiện nay, đó là đạo đức xã hội.

Dù không phải bản chất của xã hội hiện nay nhưng những hành vi trên được coi là nỗi nhức nhối của tất cả chúng ta mỗi khi nhắc đến đạo đức xã hội. Có một câu hỏi được đặt ra lâu nay là: Hình như kinh tế càng phát triển, đạo đức xã hội lại ngày càng trở nên xuống cấp?

Trên thực tế, mọi người đều thấy các biểu hiện về những hành vi bạo lực, ứng xử thiếu văn hóa trong xã hội hiện nay. Mặc dù chỉ là những biểu hiện của một phần xã hội nhưng chúng ta vẫn phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.

Bắt nạt trực tuyến - Hình thức mới của bạo lực tinh thần

Tại Việt Nam, 30% số học sinh THCS và THPT được hỏi trong một nghiên cứu mới đây cho biết, họ đã từng bị bắt nạt trực tuyến, một hình thức mới của bạo lực tinh thần. Điều đáng lo ngại hơn là có tới 1/4 trong số đó vừa là nạn nhân bị bắt nạt nhưng lại vừa đi bắt nạt người khác.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, khi con người trong đời sống thực ngày càng trở nên ấm ức, bất bình, bất mãn thì họ có xu hướng trút những nỗi giận đó lên trên mạng xã hội. Bắt nạt trực tuyến ảnh hưởng ngược trở lại đến cuộc sống thực, làm cho cá nhân ngày càng cảm thấy ấm ức hơn và vòng tròn lại tiếp tục khi họ lại dồn những ấm ức đó lên trên mạng với những thông điệp tiêu cực.

Bạo lực trên không gian mạng không chỉ gây tổn thương sâu sắc về tinh thần cho mỗi cá nhân mà còn là mầm mống kích thích cái ác, cái xấu, phần hung tính tiềm ẩn sâu xa trong mỗi người. Không khó để tìm thấy những video mua bán, hướng dẫn sử dụng vũ khí nóng trên mạng, những lời lẽ kích động bạo lực, những đối tượng có hành vi phạm pháp, những người thuộc giới giang hồ nhưng lại trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi...

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bạn thanh niên xem nhiều video liên quan đến bạo lực có tỷ lệ phạm pháp hoặc có những hành vi lệch chuẩn so với quy định của xã hội cao hơn rất nhiều lần so với những bạn trẻ khác. Có thể thấy, tác động của những cái xấu trên mạng đối với đời sống thực là có thật và chúng đang từng ngày từng giờ ngấm vào sự phát triển nhân cách của các bạn trẻ nếu thiếu đi sự kiểm soát, hỗ trợ của những người có trách nhiệm.

Diễn biến phức tạp của những hành vi bạo lực

Không chỉ trên không gian mạng, trong đời sống thực, bạo lực cũng có những diễn biến rất phức tạp.

Vụ thảm sát dã man tại huyện Đan Phượng, Hà Nội diễn ra vào tháng 9/2019 đã tước đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình. Thủ phạm là chính bác ruột và nguyên nhân là do mâu thuẫn về đất đai.

Tháng 12/2019, do mâu thuẫn với vợ, một đối tượng ở Định Hóa, Thái Nguyên đã thảm sát 5 người.

Ngày 13/1/2020, một đối tượng đã xả súng, khiến 2 người tử vong và 5 người bị thương tại Lạng Sơn.

Mới đây, ngày 29/1, vụ xả súng ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã khiến 5 người thiệt mạng.

Theo chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn, hành vi giết người, cướp tài sản hay tấn công bạo lực thường có mức độ quyết liệt, sử dụng hung khí đặc biệt nguy hiểm. Hành vi tấn công của các đối tượng đã khác với trước đây khi nhắm tới nhiều người hơn và có độ nguy hiểm, mãnh liệt cao hơn.

Những hình thức bạo lực như phụ huynh đến trường đánh giáo viên, bắt giáo viên quỳ xuống xin lỗi, chồng nhốt vợ vào chuồng chó, chồng đốt vợ... trước đây thường không quan sát thấy nhưng ngày nay lại xuất hiện không thiếu. Theo bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, chúng ta ngày càng muốn biết nhiều thứ hơn, càng muốn có nhiều thứ hơn và đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc sống trở nên căng thẳng hơn, áp lực nhiều hơn. Do không thể kiểm soát được trước những áp lực, một số người đã để xảy ra những xung đột dẫn tới các hành vi bạo lực.

Những hành vi bạo lực đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội, gây tổn thương sâu sắc cả về thể chất, tính mạng và tinh thần cho nạn nhân. Tuy nhiên, điều nguy hại hơn cả là những hành vi này có thể biến người bị bạo lực trở thành những con người cô đơn, khép kín hoặc ở chiều ngược lại, chính nạn nhân lại trở thành đối tượng tiếp tục sử dụng bạo lực với người khác để giải tỏa những tổn thương và ấm ức của mình. Cả hai xu hướng này đều gây nguy hại đối với xã hội.

Sự vô cảm - "Hành vi" đáng lên án không kém gì bạo lực

Xung quanh chúng ta, bạo lực có thể xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, gây ra những vụ án giết người nghiêm trọng, là nguyên nhân dẫn tới những vụ bạo hành tình dục trẻ em mà cả xã hội ghê tởm và lên án. Những hành vi mất tính người này đã được pháp luật xử lý nghiêm khắc. Mặc dù không thể bù đắp được những tội ác mà mình gây ra, tuy nhiên, những kẻ phạm tội đã bị pháp luật trừng trị.

Trong khi đó, một hành vi khác cũng đáng lên án nhưng rất khó xử lý theo góc độ pháp luật, đó chính là sự vô cảm. Không chỉ cuộc sống mà rộng ra hơn là cuộc đời của nhiều người đã bị tác động nghiêm trọng bởi sự vô cảm. Thậm chí, một số người có thể mất mạng vì sự vô cảm của đồng loại.

Bị dọa sinh non, phải đi cấp cứu nhưng ngay trên đường đến trạm xá, trong thời khắc khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng, một người phụ nữ đã bị lái xe taxi đuổi xuống lề đường do sợ gặp xui xẻo. Mặc dù người mẹ may mắn giữ được mạng sống của mình, tuy nhiên, khi bị bỏ rơi giữa đường, đứa con của chị đã không thể giữ được.

Làm ngơ trước nỗi sợ hãi, trước hoạn nạn của người khác đã trở thành cách ứng xử của một bộ phận người dân. Tình cảnh nạn nhân gặp tai nạn giao thông nhưng bị phớt lờ trên phố đã không còn là việc hy hữu.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, trong xã hội hiện đại, con người thường hay chú ý những lợi ích về sự phát triển của bản thân mình nhiều và đôi khi người ta cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu những gì mình quan tâm có đem lại lợi ích gì không, nếu không quan tâm thì tốt hơn cho mình và không đem phiền phức đến cho mình.

Trong những vụ bạo lực học đường diễn ra ở lớp học hay trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh những người trẻ thờ ơ đi qua hoặc cổ vũ, chụp ảnh, livestream khi chứng kiến cảnh nạn nhân bị số đông bắt nạt. Lối suy nghĩ, cách hành xử của người lớn đã trở thành "tấm gương" để con trẻ soi vào.

Nói đến sự vô cảm, thiếu tình người, không thể không nhắc đến những gì diễn ra ngay trong những ngày cuối tháng 1 vừa qua. Sau khi 2 trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện, nỗi lo bùng phát dịch COVID-19 đã hiện hữu khắp nơi. Nhu cầu phòng dịch tăng cao hơn bao giờ hết và đó là lúc giá bán khẩu trang bắt đầu "nhảy múa".

Trong khi cả nước đang nỗ lực phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, trước lợi nhuận quá lớn, một số đối tượng đã sản xuất khẩu trang kém chất lượng, thậm chí sản xuất cả khẩu trang giả để chuộc lợi, chà đạp lên sức khỏe, tính mạng của người dân. Sự vô lương tâm, vô trách nhiệm, vô cảm ấy khiến dư luận hết sức bất bình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước