Dấu ấn 2015: Một nhiệm kỳ nhiều trăn trở của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 31/12/2015 16:00 GMT+7

VTV.vn - Năm 2015 có thể coi là một năm mà ngành giáo dục có bộn bề nhiều công việc cũng như phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Năm nay, ngành giáo dục có khá nhiều sự thay đổi, từ tiểu học đến đại học, từ tổ chức thi cử đến hình thức chấm điểm. Nguyên nhân dẫn tới những thay đổi này là bởi Nghị quyết 29 được thông qua vào năm 2013 và Nghị quyết 88 của Quốc hội được thông qua vào cuối năm 2014 đã tạo nền tảng để việc đổi mới giáo dục bắt đầu được triển khai rầm rộ. Hàng loạt các công việc đã được thực hiện như triển khai đánh giá học sinh tiểu học thay vì chấm điểm, đổi mới thi và tuyển sinh ở bậc THCS và THPT, công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Có thể nói, giáo dục khác với những ngành khác. Cả xã hội đều quan tâm đến giáo dục. Vì vậy, hơn tất cả các lĩnh vực khác, sự đổi mới trong lĩnh vực giáo dục cần phải được truyền thông tốt để tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Ngay như trong kỳ thi quốc gia chung vừa qua, có ý kiến cho rằng đây là việc nên làm, cần thiết phải gộp 2 kỳ thi làm một. Tuy nhiên vấn đề lại phát sinh ở khâu tổ chức thực hiện, truyền thông và hướng dẫn tới từng thí sinh và gia đình. Hậu quả là khi tổ chức thi rất tốt, nhưng đến xét tuyển lại lộn xộn. Chính điều đó tạo ra tâm lý hoài nghi trong xã hội về kết quả thực sự của đổi mới trong giáo dục.

Theo nhà báo Kim Hải - người đã có hơn 10 năm theo dõi lĩnh vực giáo dục, không thể chỉ viện dẫn những nguyên nhân khách quan như truyền thông để lý giải phản ứng từ phía dư luận đối với ngành giáo dục mà còn có nhiều nguyên nhân khác. Đầu tiên là vì một bộ phận xã hội vẫn còn có hoài nghi, thiếu tin tưởng vào các chính sách của Bộ GD & ĐT. Sự thiếu tin tưởng này đến từ những sai lầm trong cách thức điều hành, quản lý kéo dài trong nhiều năm trước. Thứ hai là trong các chính sách mới do Bộ GD & ĐT đưa ra, một số chính sách còn vội vã, chưa chuẩn bị kĩ lưỡng gây bị động cho những người liên quan. Một số chính sách chưa được truyền thông đúng cách, chưa được thuyết trình rõ ràng khiến dư luận hiểu chưa đúng, thậm chí hiểu sai, hiểu lầm, dẫn đến phản ứng tiêu cực.

Trước một chủ trương lớn như đổi mới giáo dục, theo nhà báo Kim Hải cần phải cần có một chiến lược truyền thông rõ ràng, mạnh, trên mọi phương tiện, với mọi cách khác nhau để giúp xã hội hiểu rõ hơn về các chính sách, tránh hiểu lầm đáng tiếc, gây mất thời gian cho việc triển khai các bước đổi mới. Bên cạnh đó, không thể yêu cầu người dân tin tưởng vô điều kiện vào những cải cách và thay đổi trong giáo dục. Để có được điều đó, trước hết chính ngành giáo dục phải tin vào chính mình, vào triết lý giáo dục rõ ràng.

Đổi mới là quá trình rất phức tạp, đặc biệt là trong giáo dục, một lĩnh vực nhạy cảm do mỗi thay đổi nhỏ đều tác động tới nhiều đối tượng. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều quan điểm, trường phái khác nhau, nên mỗi thay đổi đều dễ vấp phải phản ứng từ nhiều phía. Cách đây hơn một tuần, tại một cuộc họp về vấn đề đổi mới giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này: “Đã đổi mới là phải thay một cái cũ. Như chúng ta biết, đã thay một cái cũ thì luôn luôn có tranh luận. Nếu đổi mới không có tranh luận, thậm chí đến mức gay gắt, đến mức làm nóng công luận lên, thì cũng phải xem lại đổi mới này… Bất kỳ một đổi mới nào cũng động chạm hết nhưng mình khác người dân bình thường ở chỗ mình tiếp cận thế giới, mình biết căn nguyên về khoa học, thì mình làm nên, mình giải thích cho người dân".

Về phía Bộ GD & ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng có những trải lòng về nhiệm kỳ vừa qua: "Điều khó nhất trong đổi mới giáo dục trong năm 2015 nằm ở hai yếu tố. Thứ nhất là đối tượng rộng lớn, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và thầy cô giáo. Thứ hai là vấn đề đổi mới liên quan tới từng gia đình, động chạm tới không chỉ vấn đề học thuật mà còn cả vấn đề lợi ích, kinh tế của nhiều chủ thể khác nhau. Công cuộc đổi mới có thể mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, sinh viên và thầy cô giáo nhưng cũng làm suy giảm đáng kể những thu nhập không chính đáng đã tồn tại nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, cách dạy, cách học và quan niệm của ông bà, cha mẹ và toàn xã hội đối với việc học của con, việc dạy của thầy đã tồn tại quá lâu, như một điều tự nhiên, không thay đổi được. Vì vậy, như đã có lần nói, trong công cuộc đổi mới này cũng như công cuộc đổi mới Đảng khởi xướng từ 1986, thay đổi nhận thức đổi mới tư duy là khâu đột phá số một. Trên thực tế cho thấy, trong lần đổi mới giáo dục lần này, đó là khâu khó nhất.

Trong những năm tới, chúng tôi nghĩ trên cơ sở quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần Nghị quyết 29 để triển khai công việc đã mở đầu một cách bài bản, sâu sắc và đồng bộ hơn, đồng thời mở tiếp những lĩnh vực, công việc khác".

Nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là một nhiệm kỳ có nhiều khó khăn, thách thức với bộn bề công việc. Song ông đã nỗ lực cùng các cộng sự của mình triển khai nhiều công việc, với hy vọng tạo nên nền tảng vững chắc cho những việc đổi mới tiếp sau.

Những dấu ấn của ngành giáo dục năm 2015 được ghi lại trong chương trình Dấu ấn 2015:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước