Đổi mới giáo dục Việt Nam: Cần lắng nghe ý kiến của trí thức kiều bào

Phương Dung - Ngọc Tuấn (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Chủ nhật, ngày 20/09/2015 05:00 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, muốn đổi mới thành công, ngành giáo dục cần thiết phải biết lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện của cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam cần được đổi mới trên cơ sở vẫn giữ được nét đặc thù của giáo dục đại học trong nước, đồng thời tiệm cận được các chuẩn chung của thế giới. Tuy nhiên trong quá trình đổi mới lắm chông gai này, nền giáo dục Việt Nam vẫn còn bộc lộ những bất cập và hạn chế.

Theo các chuyên gia, muốn đổi mới thành công, ngành giáo dục cần thiết phải biết lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện, trong đó không thể thiếu những ý kiến đóng góp của cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tại các trường Đại học ở Việt Nam hiện nay bị thất nghiệp và phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Nguyên nhân của thực trạng này được cho là do sự yếu kém trong đào tạo kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm và tác phong làm việc của giáo dục trong nước. Bởi vậy cần phải xem giáo dục là vấn đề đầu tư.

Bà Nguyễn Hoàng Đài Trang, Giáo sư ngành Ngoại thương và phát triển quốc tế Toronto, Canada cho rằng: “Khi cải tổ nền giáo dục, cần thiết phải xem nhu cầu về nhân lực trong tương lai. Để làm được điều đó, phải xem cả nhu cầu trên thế giới và ở Việt Nam để biết được những kỹ năng đang cần để tập trung đào tạo”.

Nhiều chuyên gia trí thức kiều bào cũng cho rằng, con đường tiến bộ cho giáo dục đại học trong nước chính là cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Giáo sư Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán nói: “Điều có thể tạo nên sức bật lớn nhất chính là cơ chế tự chủ của các trường đại học. Tự chủ trong tuyển sinh, học sinh, tự chủ về tuyển chọn giảng viên, giáo sư, trong định hướng, giáo trình…”.

Bên cạnh ý kiến nên xã hội hóa ngành giáo dục Việt Nam, nhiều giáo sư, tiến sĩ kiều bào cũng cho rằng, cần phải có phương thức chọn lọc mới để trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ dần phải thay đổi hoặc tự đào thải.

Phó Giáo sư Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana tại Bloommington, Mỹ gợi ý: “Đưa ra một chỉ số để nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường đại học, chỉ số đó là tỷ lệ số sinh viên ra trường xin được việc. Nếu chúng ta xếp được hạng các trường theo tỷ lệ số sinh viên ra trường xin được việc đúng ngành nghề thì sẽ chỉ ra trường nào phục vụ, đưa ra dịch vụ giáo dục tốt. Chúng ta theo dõi hàng năm để thấy trường nào đi lên, đi xuống”.

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài được khẳng định là có vai trò thiết thực trong việc triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định: “Những ý kiến của các chuyên gia, trí thức Việt kiều ở nước ngoài rất quan trọng, vì họ có những cái nhìn khác với trong nước nên có thể phản biện, tránh những sai sót để chúng ta thực hiện chương trình đổi mới hiệu quả hơn”.

Cách giáo dục không phải là việc có thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng với hơn 400.000 chuyên gia trí thức người Việt đang sinh sống tại nước ngoài thì những ý kiến đóng góp cho đổi mới giáo dục đại học của đội ngũ trí thức kiều bào cũng trở thành kênh thông tin tham khảo vô cùng hữu ích.

Đổi mới giáo dục - Thận trọng nhưng không chậm trễ Đổi mới giáo dục - Thận trọng nhưng không chậm trễ

(VTV.vn) - Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài THVN nhân dịp đầu năm mới.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước