Đc Lê Đức Thọ đã có những cống hiến vĩ đại...

Ngọc Hà-Thứ năm, ngày 06/10/2011 10:40 GMT+7

Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam đã một lần nữa được các cựu lãnh đạo đất nước ghi nhận...

Đồng chí Lê Đức Thọ và cố vấn Mỹ Kissinger. Ảnh: namdinh.gov

Những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ đã thêm một lần nữa được đưa ra trong buổi Hội thảo “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định” do Tỉnh ủy Nam Định, Ban Tổ chức TƯ, Ban Tuyên giáo TƯ, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ.

Tại hội thảo, hơn 60 tham luận và bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học và những người từng làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ đã tiếp tục khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Nhưng đậm nét hơn cả vẫn là những đóng góp của ông trên mặt trận ngoại giao.

Tên tuổi Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành tâm điểm của giới truyền thông thế giới với cuộc đàm phán kéo dài tới hơn 4 năm - cuộc đàm phán có thể nói là dài nhất nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm đó cho ông Lê Đức Thọ, đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt từ trước đến nay, nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam.
Có mặt tại buổi hội thảo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên cho rằng, đối với các nhà ngoại giao, cái khó trong đàm phán là lúc nào thì “cương”, lúc nào thì “nhu”, thậm chí lúc nào phải nặng lời với đối phương. Ông Lê Đức Thọ đã thành công trong ứng xử linh hoạt này, khiến Kissinger phải vị nể và khuất phục.
“Lê Đức Thọ là một nhà ngoại giao “khổng lồ”. Ông ấy khổng lồ ở chỗ đối phương đối thoại với Lê Đức Thọ là Kissinger - một học giả rất lớn của Mỹ thời đó. Lúc đó Kissinger rất ngạo mạn tưởng có thể đè bẹp được ta. Nhưng ông ta đã không thể làm được bởi Lê Đức Thọ đại diện cho chính nghĩa. Nhưng từng đó thôi chưa đủ. Điều làm nên thành công của Lê Đức Thọ là ông đã nhuần nhuyễn, đã có trí tuệ để thực hiện điều mình cần và mục tiêu đã đề ra".
Ông Niên lấy ví dụ: "Chẳng hạn như làm thế nào để thỏa thuận được vấn đề Mỹ rút quân. Mỹ đòi Mỹ rút quân thì miền Bắc cũng phải rút quân khỏi miền Nam. Nhưng Mỹ đánh đồng như thế không thể được! Cuối cùng, đồng chí Lê Đức Thọ đưa ra công thức là vấn đề quân đội Việt Nam ở lãnh thổ Việt Nam thì do các bên Việt Nam giải quyết với nhau, còn việc Mỹ rút quân là bắt buộc. Trí tuệ của ông ấy là tìm được một giải pháp, nhưng giải pháp ấy lại đúng với lợi ích của mình”.
Kinh qua nhiều chức vụ quan trọng và sau này khi phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của Đảng trong nhiều năm, đồng chí Lê Đức Thọ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng Đảng và tổ chức của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng, với vai trò Trưởng tiểu ban nhân sự, đồng chí đã góp phần tích cực xây dựng một đội ngũ cán bộ đảm bảo tính kế thừa và sự vững vàng của Đảng trong mọi tình huống.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng khẳng định: “Vấn đề cán bộ là quan trọng nhất. Cán bộ không gương mẫu, thì làm thế nào xây dựng Đảng tốt được. Cho nên, yếu tố hàng đầu theo ông Thọ là vấn đề cán bộ. Đứng đầu một cơ quan, một Tỉnh ủy, đứng đầu một đơn vị thì ông thủ trưởng phải là một người mẫu mực, phải là một thủ lĩnh gương mẫu, kiên cường và có bản lĩnh. Ông Thọ thích những cán bộ như thế. Vậy trong xây dựng kinh tế, lấy gì làm thước đo cán bộ? Thứ nhất là đời sống nhân dân có lên không? Sản xuất có lên không? Quần chúng có đồng tình với anh hay không? Ông Thọ nói với tôi thế này: Có những con người chức vụ rất cao, nhưng tiếng tăm thì không có mấy. Nhưng có người chức vụ ít thôi, thấp thôi nhưng để lại cho đời những công trình, những chiến tích vĩ đại thì người ta có thể nói trong lịch sử”.
Những ý kiến tâm huyết, khoa học từ hội thảo không chỉ đánh giá đúng đắn, đầy đủ hơn nữa những đóng góp và tài năng của đồng chí Lê Đức Thọ, mà còn rút ra những bài học có giá trị thực tiễn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước sau này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước