Với các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, đề án 1816 đã thực sự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tay nghề chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Sau hơn 3 năm triển khai, đề án 1816 đưa bác sĩ về tuyến dưới đã đạt được nhiều thành công, trong đó đáng chú ý là đã chuyển giao gói kỹ thuật theo nhu cầu hỗ trợ của bệnh viện tuyến dưới và khả năng đáp ứng của bệnh viện tuyến trên.
Từ chỗ chỉ khám chữa bệnh thông thường và mổ nội khoa, giờ đây, bệnh viện Ngã Năm (Sóc Trăng) đã gây dựng được lòng tin với người dân sau khi 4 kỹ thuật mới cho khoa sản được chuyển giao thành công từ bệnh viện tỉnh.
‘ Ảnh minh họa
Bác sĩ tuyến trên đã về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các bác sĩ tuyến cơ sở, 12 ca sản khó trước đây chỉ có thể chuyển tuyến thì nay được bác sĩ bệnh viện huyện thực hiện thành công. Đã có hàng nghìn gói kỹ thuật được chuyển giao từ tuyến Trung ương về tỉnh, từ tỉnh về huyện.
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá: “Hiệu quả của đề án có giá trị rất lớn trong việc chuyển giao kỹ thuật y tế, nâng cao chất lượng các bệnh viện tuyến huyện, nhất là khi triển khai bảo hiểm y tế toàn dân, chất lượng của các bệnh viện huyện có vai trò rất quan trọng”.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là vùng sâu, vùng xa; chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng tay nghề, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ y tế ở tuyến dưới; giảm tải cho bệnh viện tuyến trên là hiệu quả của đề án 1816 thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đề án 1816 là chủ trương đúng, nhưng mặt hạn chế của nó là sự thiếu đồng bộ giữa kỹ thuật hiện đại được chuyển giao và cơ sở vật chất lạc hậu của y tế cơ sở khiến bác sĩ dù nắm được kỹ thuật nhưng không đủ điều kiện thực hành. Đây là vấn đề mà Bộ Y tế đang điều chỉnh để hạn chế sự lãng phí về kinh phí và nhân lực.