Theo đó, đến 2020, Việt Nam thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy du lịch chưa thực sự phát triển bền vững trong khi Việt Nam có trong tay tiềm năng thiên nhiên ban tặng. Nếu nhìn ra các nước làm du lịch giỏi như Singapore - diện tích chỉ như đảo Phú Quốc, mà trở thành cường quốc du lịch.
Theo tờ Đại đoàn kết, để du lịch Việt "cất cánh", yêu cầu quan trọng hơn cả là chừng nào người làm du lịch bỏ được thói quen chộp giật, không còn coi làm du lịch là cơ hội kinh doanh kiểu "ăn xổi ở thì" - thì du lịch Việt Nam mới có thể tăng trưởng bền vững, cũng như tạo ra thương hiệu gây sức hút.
Du lịch Việt Nam cần thêm nhiều nỗ lực để thu hút du khách. (Ảnh: Dân trí)
Còn theo tờ Đại biểu nhân dân, đã đến lúc phải rà soát lại quy hoạch du lịch để nhìn rõ trọng điểm đầu tư cho xứng tầm. Nhà nước đầu tư đến đâu, còn phải huy động cộng đồng xã hội; phải có chính sách về đất đai, ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp làm du lịch quy mô lớn; phải kiến tạo chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền đầu tư vào du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng cho du lịch, liên kết thành những chuỗi du lịch vùng, miền. Nói ngắn gọn, bộ máy, con người làm du lịch phải thay đổi tư duy.
Trong khi đó, theo tờ Sài Gòn giải phóng, việc Nghị quyết tập trung vào 8 nhóm giải pháp cốt lõi để đạt được mục tiêu đưa tổng thu từ du lịch lên đến 35 tỷ USD vào năm 2020, tức tăng khoảng gấp đôi so với hiện nay. Trong đó, những giải pháp về đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch hứa hẹn sẽ mang đến cho du lịch nguồn sinh lực mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!