Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra phương án lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào kỳ họp giữa của nhiệm kỳ. Ưu điểm của phương án này là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ, đồng thời tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác. Qua thảo luận, nhiều đại biểu chưa hoàn toàn tán thành với quy định này.
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nói: “Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, theo tôi như thế là ít. Tôi cho rằng phải lấy 2 lần. Tức cuối năm thứ 2 chúng ta lấy phiếu tín nhiệm để xem cuối năm thứ 4 bỏ phiếu có sửa chữa hay không, đồng thời để xem kỳ sau có tín nhiệm hay không”.
Ông Trương Minh Hoàng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng: “Tôi nghĩ cử tri và đại biểu đại biểu cũng rất công bằng. Như vậy việc chúng ta lấy phiếu tín nhiệm ở giữa nhiệm kỳ là chưa đủ. Tôi rất mong đại biểu nên tính toán để thực hiện 2 lần trong 1 nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm”.
Về mức đánh giá tín nhiệm nhiệm có đại biểu đề nghị giữ nguyên như hiện nay là “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị chỉ nên quy định hai mức đánh giá tín nhiệm là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” hoặc “Tín nhiệm”, “Không tín nhiệm”.
Thảo luận về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, có đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến đề nghị không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân vì đây là tổ chức cơ quan dân cử.