Một phần của Quần thể danh thắng Tràng An (Nguồn ảnh:Laodong)
Trong 2 ngày, 24 và 25, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo "Xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An" nhằm thống nhất những tiêu chí đệ trình lên UNESCO. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học cùng các chuyên gia tư vấn uy tín trong nước và quốc tế.
Hội thảo có sự tham gia của 4 chuyên gia uy tín của UNESCO đến từ New Zealand, Mỹ, Philippines và Nhật Bản.
Các nhà nghiên cứu Viện khảo cổ học Việt Nam đã báo cáo kết quả khảo cổ học cùng giá trị nổi bật về tự nhiên địa mạo của Khu quần thể di tích danh thắng Tràng An.
Cảnh quan tuyệt mỹ và tầng văn hóa dày đặc qua những hiện vật về người tiền sử cách đây hơn 20 nghìn năm được các chuyên gia quốc tế nhận định phù hợp với các tiêu chí 5, 7 và 8 trong 10 tiêu chí của UNESCO.
Tuy nhiên, Hiệp hội bảo tồn thế giới cho rằng, giá trị cảnh quan và chứng cứ khảo cổ cần phải được liên hệ một cách chặt chẽ, mới có thể làm nổi bật Tràng An là một chương quan trọng trong lịch sử loài người.
Giáo sư Paul Dingwall, chuyên gia Hiệp hội bảo tồn thế giới IUCN, UNESCO cho hay: “Lịch sử tiến hoá của loài người có thành công hay không phụ thuộc vào con người có thích ứng được với sự thay đổi của môi trường hay không? Tại Tràng An đã có đầy đủ chứng cứ khẳng định điều này. Nếu biết xâu chuỗi thì khả năng thành công của Hồ sơ Tràng An rất cao".
Giáo sư người Mỹ Richard, chuyên gia Hội đồng quốc tế về di sản và di chỉ lại cho rằng, ngoài chứng cứ xương người tiền sử, các nhà khoa học VN cần phải đưa ra cả chứng cứ động, thực vật thời đó và chỉ ra mối liên hệ. Ông khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung làm nổi bật một giai đoạn lịch sử. "Ví dụ như các bạn chỉ cần làm nổi bật giai đoạn cách đây hơn 20 nghìn năm, đừng dàn trải. Chứng cứ cần phải xác thực và có chứng minh nổi bật".
Xây dựng hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An với bộ ba tiêu chí hỗn hợp là một thách thức lớn. Tính đến nay, trên thế giới có 936 di sản thì chỉ 3%, tức là 28 di sản được công nhận với tiêu chí tổng hợp.
Ông Bùi Văn Nam, bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình cho biết: “Vừa qua tôi đã đến thăm và làm việc trực tiếp với đại diện UNESCO tại Paris. Họ đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Ninh Bình. Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị như thế này thì 30/9 này chúng ta đủ cơ sở để báo cáo, trình hồ sơ lên UNESCO”.
Như vậy, những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An đã được thống nhất đệ trình với 3 tiêu chí, tiêu chí 5 là thí dụ tiêu biểu của truyền thống cư trú của loài người, tiêu chí 7 và 8 là giá trị địa chất địa mạo, thẩm mỹ vượt trội.
Sau hội thảo, với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, tỉnh Ninh Bình tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đệ trình lần thứ nhất lên UNESCO.