Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và Liên đoàn các Tổ chức Kinh tế Israel (FIEO). (Ảnh: TTXVN)
Khí hậu sa mạc khô cằn nhưng Israel tự túc được phần lớn lương thực, và là nước dẫn đầu thế giới trong việc tái xử lý 70% nước thải, Israel đã tự mình vươn lên thành một quốc gia đứng đầu về công nghệ, đặc biệt là công nghệ nông nghiệp. Nhận định Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, nhiều doanh nghiệp Israel không giấu được sự hứng khởi, mong muốn được đến Việt Nam để đầu tư.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Yaron Tamir, Tổng Giám đốc Trung tâm đào tạo nông nghiệp AgroStudies nhấn mạnh: "Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, còn Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất trong khu vực. Tương lai là ở đây, đây là một cơ hội lớn mà chúng tôi phải nắm bắt. Chúng tôi muốn tập trung phát triển ở thị trường này, một nền kinh tế đang phát triển".
Ông Shraga Brosh, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất Israel cho biết: "Trái với đất nước của các bạn, nguồn tài nguyên của chúng tôi rất hạn hẹp, chúng tôi bắt buộc phải phát triển công nghệ cao để cung cấp thức ăn cho người dân. Làm thế nào để bò cho nhiều sữa, gà đẻ nhiều trứng hơn… tất cả đều được chúng tôi xử lý bằng việc nghiên cứu công nghệ mới. Chúng tôi đã làm điều này nhiều năm qua và chúng tôi có thể áp dụng những công nghệ đó ở Việt Nam".
Tại diễn đàn, đã có những thỏa thuận hợp tác đạt được giữa doanh nghiệp hai nước. Công ty As Pas Yan của Israel đã quyết định đầu tư vào dự án phát triển hệ thống nuôi cá sạch chất lượng cao, đồng thời giảm được khí carbon với công ty Vinaway Mai của Việt Nam. Đây là một công nghệ nuôi cá mới chưa xuất hiện ở Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc dự án Vinaway Mai: "Toàn bộ chất thải hữu cơ tái xử lý thành khí me-tan phục vụ trang trại cá, chất thải vô cơ và nước xử lý đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mô hình này đã phát triển ở Mỹ. Tôi từng sang Mỹ và chứng kiến thán phục họ, đây là mô hình khép kín mà chất lượng cá tốt, quy trình nuôi trồng rút ngắn 50% so với nuôi lồng bè ở Việt Nam. Mô hình này vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại lợi nhuận cao".
Ngay sau cuộc hội thảo, chính phủ Israel đã công bố bổ sung vốn hợp tác tài chính giữa hai nước thêm 100 triệu USD để dành cho dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp do công ty Thực phẩm Sữa TH là chủ đầu tư. Từ công nghệ chế biến thức ăn, chăm sóc bò, vắt sữa bò đến đóng gói sản phẩm sữa đều được khép kín bằng công nghệ Israel.