Trong khi đó, thủy điện tại Việt Nam đang phát triển tới mức tới hạn, nước lúc có lúc không, khí và than cho sản xuất điện không phải là vô tận. Dự kiến, từ năm 2015 sẽ phải nhập than số lượng lớn cho sản xuất điện, vì thế, phát triển các loại năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió là vấn đề nên được quan tâm đúng mức vào thời điểm này.
Dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư xây dựng. 19/20 tổ máy của dự án đã được lắp đặt, mỗi tổ máy là một cột quạt gió phát điện có công suất 1,5MW. Công ty Fuhrlander (Đức) là đơn vị tư vấn, cung cấp thiết bị và phụ trách lắp đặt các tổ máy cho dự án điện gió này. Theo đại diện Fuhrlander, thực tế xây dựng lắp đặt cho thấy, điện gió có thể là một giải pháp tốt giúp Việt Nam nhanh chóng tăng công suất phát điện.
Ông Văn Hùng Albert, Trưởng đại diện Fuhrlander tại Việt Nam chia sẻ: “Với sự chuẩn bị đầy đủ như thời gian vừa qua và khi thời tiết cho phép, thì từ 2 - 3 ngày chúng tôi đã lắp xong 1 tổ máy 1,5 MW với nhóm người 6 thợ. Như vậy, 1 năm hơn 300 ngày với 6 người, chúng tôi có thể lắp được khoảng 100 tổ máy có công suất 150MW hoặc 250MW. Đấy mới là một nhóm người, còn nếu 5 nhóm thì công suất hoàn toàn có thể nhân lên 5 lần”.
Gió là nguồn năng lượng tái sinh, lại có tác động môi trường thấp, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống khác cho phát điện như than, khí đốt, nước đang dần cạn kiệt.
Theo đánh giá tại một số hội thảo gần đây, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng dồi dào về năng lượng gió do có bờ biển dài hơn 3.000 km, có nhiều đảo và cao nguyên nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Một số khảo sát sơ bộ đã cho thấy, năng lượng gió của Việt Nam có tổng công suất từ 500.000 đến 800.000 MW.
Theo ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng Việt Nam: “8000 MW là rất lớn, bằng cả hai nhà máy điện nguyên tử VN đang xem xét xây dựng, mỗi nhà máy này có 4000 MW thôi. Đó là tiềm năng điện gió mà Viện Năng lượng khảo sát ở một số vùng nhất định, chứ khảo sát hơn thì có thể còn hơn nữa”.
Tại Bình Thuận, dự án điện gió duy nhất đã phát điện lên lưới dù tiềm năng gió tại Việt Nam không phải bây giờ mới được biết đến. Một trong những nguyên nhân là đầu tư ban đầu cho nhà máy điện gió cao, giá bán điện bình quân của EVN sau khi tăng mới ở mức khoảng 6 cent/kWh, nhưng theo tìm hiểu của Hiệp hội Năng lượng VN, phải bán được cho EVN với giá 8 cent/kWh thì các doanh nghiệp mới sẵn sàng đầu tư vào điện gió.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, 8 cent thì đầu tư được vào điện gió, như thế thì ngay lập tức sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước nhảy vào. Và chúng ta có thể nâng công suất điện gió lên 5.000, 7.000, thậm chí là 10.000 MW.