Nhằm chủ động phối hợp trong vận hành cơ chế chỉ đạo điều hành liên hồ chứa trong tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn hệ thống các hồ chứa Hòa Bình, Sơn La (Tổng dung tích cắt lũ là 7 tỷ m3, trong đó hồ Hòa Bình là 3 tỷ m3), hệ thống đê điều và hạ du cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng trong tình huống mưa lũ lớn xảy ra, cũng như rút kinh nghiệm quá trình chỉ đạo vận hành liên hồ chứa, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức diễn tập "Điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình và ứng phó đảm bảo an toàn hạ du".
Nội dung diễn tập gồm 2 phần: i) Diễn tập cơ chế tại Văn phòng Thường trực, các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, nhà máy Thủy điện Hòa Bình; ii) Diễn tập thực binh tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Tổ chức thông báo tình hình xả lũ hồ Hòa Bình (xuồng cao tốc chạy dọc 2 bên sông phát loa thông báo), tổ chức cứu hộ cứu nạn, sơ tán lồng bè và người dân tại tổ 14, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình; Tổ chức tuần tra canh gác các trọng điểm đê điều, thông báo dọc hai bên sông, xử lý sự cố thấm lậu, mạch đùn mạch sủi tại kè Xuân Canh, cống Long Tửu, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thành phần tham gia diễn tập: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh/TP Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Công Thương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công ty Thủy điện Hòa Bình; các lực lượng tham gia công tác PCTT và cứu hộ cứu nạn tại địa phương.
Tình huống giả định diễn tập: Trong 24h vừa qua, trên khu vực Tây Bắc có mưa to đến rất to khoảng 200mm, lưu lượng về hồ đang tăng nhanh, lúc 19 giờ tối 12.000m3/s, mực nước thượng lưu đạt 116,5m (dưới mực nước dâng bình thường 0,5 m), mực nước tại Hà Nội ở mức 10m, trên báo động 1 là 0,5m. Hiện nay hồ Hòa Bình đang mở 02 cửa xả đáy và theo quy định tại Quy trình liên hồ thì có thể phải mở khẩn cấp thêm một số cửa xả đáy, hồ Lai Châu đang mở 01 cửa xả đáy.
Trước những diễn biến phức tạp mưa lũ: Hồ Hòa Bình đã đầy nước, lũ trên hệ thống sông ở mức cao – Trên báo động 1 là 0,5m. Theo dự báo trong những ngày tới, trên toàn bộ khu vực Bắc Bộ tiếp tục mưa lớn, tập trung chủ yếu vào ban đêm Sơn La, Hòa Bình với tổng lượng mưa 200-300 mm, lưu lượng về hồ Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng lên tới 16.000m3/s, tương tự đợt lũ xảy ra tháng 10/2017. Mực nước hồ sẽ lên nhanh và ở mức rất cao, trong khi đó ngoài biển Đông xuất hiện ATNĐ có khả năng mạnh thêm thành bão đang tiến vào đồng bằng Bắc bộ, có khả năng gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ trong đó có Tây Bắc, còn hạ du hồ chứa và nhất là hệ thống đê điều sau nhiều năm chưa được thử thách với lũ lớn.
Đây là tổ hợp rất bất lợi cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nếu không triển khai quyết liệt, kịp thời đồng bộ các giải pháp thì có thể sẽ gây ra thảm họa thiệt hại lớn về người và tài sản như năm 1971. Trước diễn biến phức tạp đó, Ban chỉ đạo TW về PCTT đã tổ chức họp khẩn cấp để đánh giá công tác đã chuẩn bị và đưa ra phương án xử lý hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn cho hồ Hòa Bình và hạ du.
Sau khi nghe báo cáo của Trung tâm tượng Thủy văn Quốc gia và 7 đơn vị tính toán điều hành liên hồ chứa, Bộ trưởng - Trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường lệnh Giám đốc công ty Thủy điện Hòa Bình mở thêm 01 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 21h30 tối nay và 01 cửa tiếp theo vào 9h00 sáng mai, duy trì hiện trạng vận hành thủy điện Sơn La như hiện nay (mở 01 của xả đáy và phát điện tối đa). Trường hợp trên hệ thống sông Đà tiếp tục có lũ lớn sẽ xem xét sử dụng dung tích còn lại của hồ Sơn La (mực nước thượng lưu 214m, dung tích còn lại 858 triệu m3) để cắt lũ giảm tải cho hồ Hòa Bình và cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển lũ vào sông Đáy.
Theo tinh thần công điện của Ban chỉ đạo TW về PCTT, BCH PCTT và TKCN các tỉnh/TP, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình thông báo đến nhân dân vùng hạ du chủ động ứng phó. Ngay trong đêm, các lực lượng tại chỗ, bộ đội, công an, lực lượng phòng chống thiên tai tại các tỉnh từ Hòa Bình đến Hà Nội đã tổ chức thông báo tình hình xả lũ, hướng dẫn bằng loa dọc hai bên sông, thực hiện sơ tán người dân vùng có nguy cơ ngập, ven sông, di chuyển, sơ tán người và các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn, tổ chức canh gác, tuần tra những vị trí xung yếu, tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị tại các trọng điểm xung yếu đê, sẵn sàng xử lý giờ đầu các sự cố đê điều, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của người dân.
Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT cũng tổ chức 2 đoàn công tác đi thực tế kiểm tra tra dọc 2 bên bờ sông Đà phối hợp cùng các địa phương đảm bảo an toàn xả lũ: 01 đoàn do Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đi kiểm tra hệ thống đê; 01 đoàn do Thứ Trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vương đi kiểm tra công tác vận hành hồ chứa thủy điện và an toàn hạ du
Chương trình diễn tập thực tế sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Kênh VTC14 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Nhân dân, Livestream trên trang Facebook "Thông tin về Phòng chống thiên tai" trong thời gian từ 20h00÷22h00, thứ Bảy, ngày 14/7/2018.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!