Doanh nghiệp Việt tìm chỗ đứng trên thị trường nội

T.S-Chủ nhật, ngày 23/08/2009 16:09 GMT+7

Tại Tập đoàn Trung Nguyên, những hình ảnh về cuộc đối đầu trực tiếp giữa cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên với Nescafe vẫn được lưu giữ đầy đủ. Cuối năm 2003, Trung Nguyên tung ra thị trường thương hiệu cà phê G7 khi Nestcafe của tập đoàn đa quốc gia Nestle đang chiếm hơn nửa thị phần. Tự đánh giá là thua đối thủ về mọi mặt, để đối đầu trực tiếp, Trung Nguyên chọn chiến lược "lấy bé đánh lớn, lấy thế đánh lực". Thế ở đây chính là vị thế thương hiệu Việt của cà phê G7.

Một "ngày hội cà phê hòa tan G7" đã được tổ chức tại trung tâm thành phố HCM. 60.000 lượt khách đã được mời uống 2 ly cà phê hòa tan: một là cà phê G7 của Trung Nguyên, một là Nestcafe. Người thử cà phê không được biết nhãn hiệu để tự đánh giá. Việc mời thử cà phê còn được thực hiện ngay tại cao ốc nơi đặt tổng hành dinh của đối thủ cạnh tranh Nestle.

Kết quả: 89% người tiêu dùng chọn G7 của Trung Nguyên và chỉ 11% chọn nhãn hiệu toàn cầu Nestcafe. Kết quả này ngay lập tức được sử dụng để tìm kiếm sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt. Chỉ trong một năm, từ con số 0, cà phê hoà tan G7 của Trung Nguyên đã chiếm được 27% thị phần. Miếng bánh của Nestcafe từ 56% giảm mạnh chỉ còn 39%.

Chiếc bánh thị phần cà phê hòa tan đã được Trung Nguyên chia lại. Ngoài sự tự tin về chất lượng sản phẩm, việc nhắm vào lòng tự hào của người tiêu dùng Việt đã giúp cà phê 100% Việt Nam G7 thành công trong việc cạnh tranh trực tiếp với một tập đoàn toàn cầu.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Trung Nguyên, cho rằng: “Nếu họ hiểu được sản phẩm của chúng tôi xứng đáng, giá của chúng tôi không hơn, dịch vụ chúng tôi tốt thì họ sẽ ủng hộ cái thương hiệu quốc gia, sức mạnh quốc gia và hình ảnh của quốc gia. Và đó cũng là tạo hậu phương vững chắc cho các thương hiệu Việt có thể đi được ra ngoài. Cuộc chơi của chúng tôi là cuộc chơi về nhận thức, nhằm vào ý thức và thái độ của người tiêu dùng Việt đối với hàng Việt”.

Trung Nguyên đối đầu, còn An Phước lại chọn cách kết hợp với thương hiệu ngoại để chiếm lĩnh thị trường nội. 12 năm trước, An Phước đã mua bản quyền sản xuất và tiêu thụ độc quyền một số sản phẩm may của Pierre Cardin tại Việt Nam. Cùng lúc, công ty cho ra đời thương hiệu An Phước của riêng mình với các dòng sản phẩm tương tự.

Sản phẩm mang nhãn hiệu An Phước luôn được được đặt cạnh các sản phẩm mang nhãn hiệu Pierre Cardin. Đây được coi là một cách định hướng tâm lý người tiêu dùng về đẳng cấp của các sản phẩm mang thương hiệu An Phước.

An Phước tham gia thị trường may mặc muộn hơn nhiều doanh nghiệp khác. Và vì vậy, nếu không có chiến lược gắn thương hiệu An Phước với cái tên Pierre Cardin thì khó có thể chiếm lĩnh được thị trường hàng dệt may cao cấp tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Điền, TGĐ Công ty TNHH May thêu giày An Phước cho biết: “Mình mua thương hiệu Piere Cardin là có chiến lược dựa vào kỹ thuật toàn cầu đó để đưa thương hiệu An Phước ra thị trường, ít nhất là cũng có cái giấy thông hành từ Piere Cardin, kỹ thuật của Piere Cardin xác nhận sản phẩm An Phước có chất lượng toàn cầu, dù chúng tôi chưa có tham vọng đưa thương hiệu An Phước ra toàn cầu mà chủ yếu trước mắt để người tiêu dùng Việt Nam tín nhiệm”.

Hợp tác với hệ thống phân phối bán lẻ cũng đang được các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường. Suốt 12 năm qua, mỗi năm một tháng, chương trình "hàng Việt Nam chất lượng cao" được tổ chức đều đặn trong hệ thống siêu thị Coop Mart đã góp phần quảng bá và tôn vinh một cách hiệu quả các sản phẩm nội địa có chất lượng.

Ngoài ra, Coop Mart đã thực hiện chính sách đồng hành với hàng Việt. Từ ưu tiêu trưng bày, giới thiệu, bảo hộ sản phẩm nội tới chia sẻ kinh phí với nhà sản sản xuất Việt Nam.

Sự gia tăng tỷ lệ hàng nội trong hệ thống Coop Mart cho thấy: hàng Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh hiệu quả với hàng ngoại nhập. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Coop cho biết” “Khi chúng tôi mới bắt đầu làm siêu thị thì tỷ lệ hàng hoá là 60% ngoại, 40% nội. Dần dần tỉ lệ này dịch chuyển. Hiện nay hàng ngoại chỉ chiếm trên dưới 10% còn đa phần là hàng sản xuất trong nước”.

Sự thành công của một số thương hiệu, một số mặt hàng Việt trên thị trường nội địa đã minh chứng: Người Việt không quay lưng với hàng Việt có chất lượng và có cách đi đúng. Tuy nhiên, số thương hiệu làm được điều này chưa nhiều. Và thị trường tiềm năng hơn 85 triệu dân vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức và khai thác hiệu quả.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước