Những năm gần đây, nhờ có công trình thủy lợi Ayun Hạ, cuộc sống của người Jrai tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã có nhiều đổi thay, bà con đã làm được lúa nước 2 vụ. Nhờ nguồn nước thủy lợi chảy đến tận chân nhà sàn nên năm nào bà con Jrai cũng có những mùa vàng no ấm.
Nhưng không vì thế mà sản xuất của bà con lại có thể thiếu được nguồn nước trời, bởi phần lớn đất sản xuất của bà con là nương rẫy trên đồi cao, nên được mùa hay mất mùa vẫn còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Chính vì thế, hàng năm người Jrai vẫn tổ chức “Lễ cầu mưa” với ước mong cho mùa màng thuận lợi, cây cối xanh tươi.
Ông Rmah Puan, Trưởng thôn Rbai B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Nước Ayun Hạ về tới làng, tới nhà, nhưng đó là vùng thấp thôi. Còn không có mưa thì bà con mình trồng mỳ không lên được nên phải cúng cầu mưa để mưa hòa, gió thuận”.
Theo quan niệm của người Jrai, nơi tổ chức “Lễ cầu mưa” của bà con Jrai ở làng Rbai B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, thầy cúng phải là người thuộc dòng họ xưa kia đã có công lập làng. Do vậy, những công việc quan trọng của làng, nhất là lễ cúng cầu mưa phải do thầy cúng đảm nhiệm.
Ông Ksor Net, làng Rbai B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết: “Như đã thành thông lệ, không ai bảo ai, bà con dân làng mỗi người một việc để chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng này. Bà con đóng góp mỗi nhà 1 nong gạo, 30.000 đồng, 1 lon gạo làm rượu để cúng. Đây là lễ quan trọng nhất của người Jrai, mỗi năm 1 lần. Sau bao ngày lao động vất vả, đây là lúc bà con người xa, người gần gặp nhau trò chuyện vui vẻ”.
Những ché rượu ngon được cất kỹ trong giàn bếp giờ là lúc dân làng Jrai đem đến buổi lễ. Hàng trăm ghè rượu cứ thế xếp hàng dài thể hiện cho tình đoàn kết của bà con. Khi buổi lễ đã sẵn sàng, thầy cúng Ksor Lol ra hiệu cho bà con đánh một hồi chiêng Tơ ná để thông báo với Giàng cùng tham gia buổi lễ cầu mưa. Ông cũng là người thay mặt cho dân làng xin Giàng ban cho nguồn nước để mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm.
Theo quan niệm của người Jrai, trong tiết trời khô hanh ở Tây nguyên, nếu có mưa thì không chỉ cây cối đơm bông kết trái, mà mưa xuống còn làm dịu đi những điều phiền muộn, hiềm khích, đồng thời đem đến niềm vui cho mọi nhà. Vì lẽ ấy, người Jrai vẫn duy trì “Lễ cầu mưa” để gửi gắm ước mong buôn làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.