Đòi lại tiền từ các vụ vỡ nợ - Cơ hội mong manh

Hòa An - Minh Hằng -Thứ năm, ngày 27/10/2011 15:20 GMT+7

Hàng loạt vụ vỡ nợ lớn đã diễn ra gây nhiều hoang mang cho người dân. Nhưng điều mà mọi người, nhất là các nạn nhân của các vụ vỡ hết sức quan tâm hiện nay, đó là cơ hội để đòi lại những đồng tiền xương máu từ các vụ vỡ nợ này như thế nào?

Sau cơn bão vỡ nợ mang tên Nguyễn Thị Cúc đã xảy ra cách đây 2 tuần, tưởng như không khí buôn bán tại khu chợ Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội đã phần nào lấy lại nhịp sống bình thường. Nhưng thực tế, nó còn để lại nhiều dư chấn không khỏi khiến người ta đau lòng.
Chị Trần Thị Thanh, người dân Phú Minh là một trong những nạn nhân của cơn bão này. Theo lời kể của chị, chị từng cho vay 30 triệu, "tin người ta nên bao nhiêu tiền tích cóp của gia đình đưa cho người ta". Nay không biết cơ hội nào lấy lại được, trong khi "đối với người dân lao động nghèo như chúng tôi, tiền triệu là vô cùng quý".
Bà Nguyễn Thị Xuyến, cùng là dân Phú Minh như chị Thanh cũng rơi vào trường hợp tương tự. Bà bảo, "chỉ khổ nhất là những người nông dân nghèo như chúng tôi thôi, ai cũng gom góp cho vay. Bây giờ đòi tiền, các chân rết nhận tiền bảo không có".
Không đòi được tiền, với những người dân lao động nghèo sẽ rất khó khăn. Vấn đề ở chỗ, nếu kẻ đi vay không phạm phải các tội lừa đảo, không bỏ trốn nhưng lại mất khả năng chi trả hoặc vẫn hứa sẽ trả tiền thì pháp luật cũng chỉ phán xét là các bên vay và cho vay tự giải quyết dân sự với nhau.
Theo lời ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, trong các vụ vỡ nợ, công an Hà Nội cũng đã xem xét để thu hồi tiền cho người cho vay. "Tuy nhiên, những trường hợp này, cơ hội đòi lại tiền là rất ít vì số tiền này đã bị các phạm nhân thua lỗ hoặc đã tẩu tán hết. Nếu họ đã từng cho vay nặng lãi, đã bị cảnh cáo một lần mà vẫn vi phạm lần nữa mới phải chịu án hình sự. Còn với những người vay nợ mà không bỏ trốn, không lừa đảo, chúng tôi cũng chỉ quy vào dân sự. Đây là điều rất khó khăn, rất vướng mắc hiện nay".
Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc công ty luật Hồng Hà, chính việc pháp luật chỉ quy vào xử lý dân sự, tự giải quyết với nhau với những vụ vỡ nợ không có yếu tố lừa đảo đã tạo kẽ hở cho một số kẻ trục lợi.
"Họ có thể lợi dụng tín nhiệm đi vay tiền rồi chiếm dụng. Ví dụ, họ vay rồi mua tài sản ở nơi khác, ví dụ như mua nhà ở TP. HCM với tên người khác. Còn nhà ở Hà Nội họ chỉ có một cái. Sau đó họ tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả nữa, cũng không bỏ trốn. Pháp luật chỉ có thể xử họ luật dân sự và chỉ có thể thu hồi 1 căn nhà ở Hà Nội của họ", ông Bình phân tích.
Với những vụ việc như câu chuyện trên, kẻ vỡ nợ có thể vẫn hứa sẽ trả dần, nhưng vấn đề là thời gian trả sẽ là lúc nào? 10 năm? Hay 20 năm? Và lúc đó, số tiền đó liệu sẽ còn lại bao nhiêu phần trăm giá trị so với lúc cho vay? Cơ hội đòi lại tiền với nạn nhân những vụ vỡ nợ có vẻ như thật mong manh. Trở lại với Phú Xuyên, nạn nhân phần lớn là những người lao động nghèo khổ chắt chiu từng đồng tiền lẻ, hậu quả của đợt vỡ nợ này để lại sẽ còn tồn tại không biết đến bao giờ?
Tin bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước