Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vì sao chậm tiến độ?

Đặng Tú-Thứ tư, ngày 04/01/2012 14:00 GMT+7

Sau hơn 3 năm triển khai, tuyến đường cao tốc có quy mô lớn nối Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 25.500 tỷ đồng mới thực hiện được hơn 20% khối lượng.

Chủ đầu tư là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam phải gia hạn thêm thời gian hoàn thành dự án thêm 2 năm nữa. Nhưng liệu ngay cả việc gia hạn này có thực hiện được hay không khi mà những vướng mắc về giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết và chủ đầu tư thì vẫn chưa lấy lại được khoản tiền đã gửi tại Công ty tài chính 2, Ngân hàng NN&PTNT.

Tuyến đường điện 110 kW chạy qua dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa mới được nâng lên cách đây 1 tháng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra, nhưng theo nhà thầu dù sao vẫn còn may mắn bởi đã có thể tiếp tục triển khai dự án.
Ông Chen Xian Feng, Giám đốc gói thầu EX3 Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết: “Hiện chúng tôi mới thực hiện được 20% khối lượng. Nguyên nhân chính vẫn là do giải phóng mặt bằng chậm. Chúng tôi hy vọng ở giai đoạn 2 sẽ làm tốt hơn”.
Cho đến thời điểm này, toàn bộ dự án đã triển khai được 9 trên tổng số 10 gói thầu chính. Và để bù lại khoảng thời gian chậm, chủ đầu tư cũng đã yêu cầu các nhà thầu áp dụng nhiều công nghệ để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ông Hwang Sun Li, Giám đốc gói thầu EX2 Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết: “Để đáp ứng được tiến độ, chúng tôi đã phải áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như bấc thấm, giếng cát và cọc cát đầm chặt. Chúng tôi hy vọng với những giải pháp kỹ thuật này, tiến độ và chất lượng sẽ được đảm bảo”.
Dự án đường cao tốc Hà Nội Hải Phòng được thực hiện theo hình thức BOT lớn nhất từ trước đến nay và được liên kết bởi nhiều tổ chức tài chính trong nước. Vì thế cũng khó tránh khỏi những khó khăn về kinh nghiệm cũng như nguồn vốn. Và gần đây khi Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam lại xảy ra việc gửi 550 tỷ đồng từ vốn của dự án tại công ty tài chính 2 và gây thất thoát.
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó TGĐ Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam lý giải: “Việc cho vay cũng là để phát huy và tránh lãng phí hiệu quả của đồng vốn. Vấn đề ở đây chỉ là việc chưa lường được hết về đối tác”.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam thì cho rằng, việc luân chuyển đồng vốn là điều tất yếu, tuy nhiên luân chuyển như thế nào và thu hồi ra sao lại là một câu chuyện khác. “Cho vay vốn là việc bình thường của các tổ chức tài chính, vấn đề là cho vay như thế nào để thu hồi lại thôi”.
Khẳng định của Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam là số tiền gửi công ty tài chính 2 không ảnh hưởng nhiều đến việc bố trí vốn của dự án. Tuy nhiên đây cũng là bài học về quản lý vốn cho các chủ đầu tư.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước