Dự báo mưa lũ: Chuyện dài

Tấn Quýnh-Thứ sáu, ngày 20/08/2010 14:00 GMT+7

Đã gần một năm sau cơn lũ lịch sử tháng 11/2009, dấu tích vẫn còn in hằn trên đất, những mái nhà và số phận của nhiều gia đình ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên...

Thời gian qua đi, có lẽ nhiều người vẫn nhắc về trận lũ này ở Phú Yên với mức thiệt hại 3.000 tỷ đồng, 79 người chết. Cho đến lúc này, những người dân trong vùng lũ vẫn còn bàng hoàng bởi tính quá bất ngờ của lũ. Thông tin về lượng mưa, lũ hầu như chưa đến với người dân tại thời điểm nguy cấp.

Được xem là vùng đất của nắng hạn và mưa lũ, người dân các tỉnh miền Trung đang lựa chọn giải pháp là có cuộc sống và sản xuất thích nghi với thiên tai, sự thích nghi đó được hiểu là người dân cần được dự báo sớm thiên tai để đưa ra ứng phó. Thế nhưng, một thực tế dễ thấy, thông tin dự báo mưa lũ không phải lúc nào cũng kịp thời và chính xác. Điều này xuất phát từ lý do khách quan: Điều kiện để ngành Khí tượng thuỷ văn có dự báo chính xác là không dễ.

Một ví dụ, trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện chỉ có 3 trạm quan trắc thuỷ văn, trong khi đó, tỉnh này có 3 con sông lớn với lưu vực rộng gắn với cuộc sống hàng ngàn hộ dân. Trạm thủy văn đã bị lũ tàn phá năm ngoái, dấu tích giờ vẫn còn.

Các địa phương cho rằng, chính việc không có những dự báo thuỷ văn kịp thời, “mù” thông tin về lượng mưa đã khiến cho thời gian qua, các vùng lũ tỉnh Phú Yên đều thiếu sự chủ động đối phó. Thời tiết ngày càng phức tạp, việc dự báo lượng mưa chắc chắn sẽ càng khó hơn. Tăng cường các trạm quan trắc thuỷ văn, chia sẻ thông tin quan trắc giữa các vùng đang là yêu cầu đặt ra, nhất là đối với các tỉnh miềnTrung, một con sông có thể trải dài nhiều địa phương.

Theo thống kê, cả nước hiện có 579 trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn, đa phần dữ liệu từ trạm quan trắc chuyển về nơi xử lý vẫn chủ yếu theo một quy trình, mất nhiều thời gian bởi chưa được tự động hoá. Đầu tư cho việc dự báo mưa lũ không chỉ gia tăng mật độ trạm, tự động hoá hệ thống quan trắc, mà còn cần phải đổi mới năng lực xử lý, lưu trữ, truyền tin phục vụ dự báo.

Vào lúc này, các phương án đối phó với mưa lũ đã được xây dựng tại các địa phương từng là rốn lũ, là những nơi gánh chịu những thiệt hại nặng nề do lũ gây ra. Người dân, chính quyền địa phương đang rất cần những công cụ hữu hiệu đầu tiên vẫn là thông tin dự báo.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước