Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2015, các đối tượng đã thuê nhiều chuyên gia công nghệ để thiết kế phần mềm nhằm "ăn gian" doanh số thu phí. Phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm, có chức năng xóa dữ liệu thu phí. Khi các phương tiện qua trạm, nhân viên vẫn thu phí bình thường nhưng phần mềm sẽ giúp xóa dữ liệu, thông tin về phương tiện qua trạm và việc thu phí đối với phương tiện.
Bộ Công an hiện đang xác minh làm rõ, từ năm 2015 đến lúc bị triệt phá, phần mềm đã giúp các trạm thu phí "ăn gian" doanh số thu phí là bao nhiêu, trên cơ sở đó tính ra số thuế mà các đối tượng đã trốn nộp. Năm đối tượng trong đường dây này đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Được biết, lượng phương tiện qua lại tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM - Trung Lương là hơn 20.000 lượt xe qua lại mỗi ngày.
Với các sai phạm trốn thuế tại cao tốc Trung Lương - TP.HCM, phóng viên Đài THVN đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Trần Minh Hải để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này. Được biết, với hành vi mua bán trao đổi phần mềm để sử dụng trái pháp luật, các cá nhân có thể bị phạt tù với hình thức cao nhất là 7 năm nếu thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Liên quan đến hành vi trốn thuế, những người chịu trách nhiệm có thể bị phạt tù cao nhất 7 năm nếu số tiền trốn thuế đạt từ 1 tỷ đồng trở lên.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!