PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp chia sẻ gánh nặng cho ngành giáo dục và các cơ sở sở đào tạo
Sẽ có 90% cơ sở giáo dục ngoài công lập phá sản nếu dịch kéo dài tới 6 tháng
Báo cáo đánh giá tác động COVID-19 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (03-4/2020) cho biết, đã có tới cả trăm ngàn giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị mất việc làm, không còn nguồn thu để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Cụ thể, có tới hơn 472 ngàn cán bộ, giáo viên thuộc các trường, nhóm, lớp ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngay tại Hà Nội, một trong những địa phương được cho là thực hiện khá thành công các Nghị quyết về xã hội hóa giáo dục, thì cho tới nay, với 45.842 giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở Hà Nội, (trong đó 10.066 người tại các trường mầm non và 27.300 người tại các nhóm trẻ; 2.784 người tại các trường tiểu học; 1.192 người tại các trường THCS và 4.470 người tại các trường THPT), thì có tới gần 40.000 người phải cắt giảm lương, thậm chí hàng ngàn người không được nhận lương.
Các trường học tạm đóng cửa khiến gần 40.000 nhân sự ngành giáo dục phải cắt, giảm lương trong thời gian chống dịch COVID-19
Kịch bản dịch kéo dài đến hết tháng 4/2020, khu vực giáo dục sẽ suy giảm 35%, tạo ra xu hướng chuyển đổi học trực tuyến. Kịch bản xấu hơn, dịch kéo dài tới hết tháng 6/2020, khu vực giáo dục có thể suy giảm tới 65%, tái cơ cấu lao động ngành. Điều này có thể gây ra nguy cơ đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập, gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam. Khảo sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50% và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi
PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc cho biết, việc đóng cửa trường học có tác động tiêu cực đến tất cả các gia đình có người đang theo học các cấp học, đặc biệt là các cấp học mầm non, phổ thông tính theo cấp học; tới các gia đình có thu nhập thấp, khi họ không có người chăm sóc con cái để có thời gian đi làm; tới những người thiếu cơ sở hạ tầng và thiết bị để có thể tiếp cận với công nghệ, internet, thực phẩm dinh dưỡng và dịch vụ chăm sóc trẻ em, cũng như học sinh khuyết tật cần các kế hoạch giáo dục cá nhân.
Giải pháp đưa ra phải hướng đến giải quyết vấn đề tài chính cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, vấn đề quản lý quá trình đào tạo hoạt động dạy - học trực tuyến, triển khai các phương án cho phép số hóa cơ sở dữ liệu giảng dạy, vấn đề tái cơ cấu giáo dục,... cũng như nhiều khía cạnh liên quan khác.
Những giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành giáo dục do dịch COVID-19
PGS.TS Phạm Thị Huyền cho hay, đứng trước những khó khăn nêu trên sẽ rất cần có những giải pháp hỗ trợ, các chính sách mang tính vĩ mô chia sẻ phần nào gánh nặng cho ngành giáo dục đào tạo nói chung và các cơ sở đào tạo nói riêng.
Đầu tiên, vấn đề tài chính cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Để duy trì sự tồn tại của các cơ sở giáo dục này, để kiểm soát được dịch bệnh, họ có nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu và đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên, Bộ Tài chính cần có cơ chế miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, các loại phí bảo hiểm xã hội mà cơ sở đang đóng cho cán bộ giáo viên của mình. Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng xem xét miễn toàn bộ phần đóng bảo hiểm cho cán bộ giáo viên và giảng viên cơ hữu và có hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục trong năm 2020 để đảm bảo các cơ sở yên tâm tiếp tục duy trì hợp đồng với lực lượng lao động đặc biệt này trong bối cảnh hiện nay. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục.
Những giải pháp hỗ trợ, các chính sách mang tính vĩ mô sẽ chia sẻ phần nào gánh nặng cho các cơ sở giáo duc
Tiếp đến, về vấn đề quản lý quá trình đào tạo, đảm bảo động lực cũng như tính pháp luật của các hoạt động dạy và học trực tuyến hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo cần sớm công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ cần xem đây chính là cơ hội và là sức ép để nhanh chóng số hóa nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều về chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác.
Với UBND các địa phương, cần chung tay hỗ trợ Sở Giáo dục và đào tạo, các Phòng Giáo dục và các trường phổ thông nhanh chóng lựa chọn giáo viên, đầu tư số hóa các bài giảng chuẩn; tiếp tục giao đài truyền hình các địa phương xác định kênh truyền hình và khung giờ rộng hơn cho việc phát các chương trình truyền hình dạy trực tuyến, mở rộng đối tượng học tập tới lớp 1 để học sinh có thể tiếp tục theo học.
Các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học cần tìm ra phương án và lựa chọn cho mình một nền tảng số phục vụ cho việc dạy và học online nhằm đảm bảo kiểm soát được toàn bộ quá trình dạy – học thay cho tình huống tự phát như đa phần các trường đang triển khai hiện nay. Một nền tảng số, được quản lý tốt sẽ cho phép nhà trường bảo vệ được bản quyền thương hiệu, kiểm soát tốt hơn quá trình dạy – học và thậm chí là đánh giá quá trình giảng dạy và học tập của sinh viên. Cũng cần nhanh chóng triển khai các phương án cho phép số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu giảng dạy phục vụ giảng dạy và học tập, lựa chọn được nền tảng cho số hóa nhà trường. Các NXB, các nhà trường cũng cần tìm ra giải pháp khả thi nhất để đảm bảo tính pháp lý và bản quyền thương hiệu cho hệ thống học liệu được sử dụng trong quá trình giảng dạy và học tập trực tuyến hiện nay. Đồng thời, cần nghiên cứu để đưa ra giải pháp khả thi để có thể tiến hành kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả học tập, kiểm tra và thi trực tuyến đảm bảo yêu cầu của kiểm định chất lượng giáo dục, hướng tới chuẩn đầu ra đã đăng ký và phù hợp với bậc 6 trong Khung Trình độ quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Thứ ba, về vấn đề con người, cũng liên quan chặt chẽ tới tài chính và quản trị. Một lần nữa, ngành giáo dục có thể xem đây là cơ hội để tiến tới tái cơ cấu ngành giáo dục, chọn lọc nhân sự và số hóa hệ thống giáo dục cũng như số hóa nhà trường. Bằng việc số hóa các trường, đặc biệt là các trường THPT và CSGD đại học, chất lượng đào tạo sẽ được đảm bảo hơn, và sự phụ thuộc vào số lượng lớn con người sẽ được giảm xuống. Các chính sách nhân sự nhằm giữ chân và phát triển khai thác tài năng sẽ có cơ hội thực thi hơn. Nguồn lực công từ đó có thể dồn cho việc đầu tư cho giáo dục ở cấp mầm non và đầu tư tinh hoa. Bản thân giáo viên, trong cuộc CMCN4.0 cần liên tục học hỏi, thích nghi và tận dụng mọi cơ hội của công nghệ thông tin, khai thác công nghệ thông tin để một mặt, tăng kiến thức với kho kiến thức khổng lồ trên internet, mặt khác, khai thác tốt hơn nữa công cụ giảng dạy phục vụ cho quá trình truyền đạt và sẻ chia kiến thức với người học. Cơ hội toàn cầu hóa trong giảng dạy và học tập sẽ không quá xa vời. Quản trị cơ sở giáo dục, quản trị hệ thống giáo dục theo tình hình mới sẽ đòi hỏi các cơ chế quản lý con người mới. Luật Viên chức cần được xem xét để có những điều chỉnh mới thích nghi hơn với điều kiện hiện nay. Chính sách lương bổng vì thế cũng cần điều chỉnh theo. Những quy định về giờ giảng chuẩn và các KPIs đánh giá giáo viên, giảng viên cũng cần được xem xét cải tiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!